Monchi rảnh tay được nửa tiếng. Lúc ấy, mới hơn 20h một chút. Ông vừa dứt một cuộc họp và đang chờ cuộc tiếp theo. Lẽ ra giờ này, theo lịch sinh hoạt, Monchi sẽ ăn tối. Nhưng đây là mùa hè. Và lịch sinh hoạt của Giám đốc thể thao Sevilla trong mùa hè thì thay đổi tan nát.
Gọi là "rảnh tay", chứ thực ra tay Monchi lúc ấy cũng không rảnh lắm. Là Giám đốc thể thao của Sevilla, ông phải giám sát toàn bộ hoạt động mua bán của CLB. Mùa hè là giai đoạn Monchi bận nhất trong năm. Ông chưa thể ăn tối vì mải chốt cho xong vụ chuyển nhượng chân sút Colombia, Luis Muriel sang CLB Italy Atalanta Bergamo.
Monchi, người có cái tên đầy đủ ít ai nhớ nổi là Ramon Rodriguez Verdejo, đặt điện thoại xuống bàn. Đó là phép lịch sự thông thường, để người đối diện thấy ông không hề xao nhãng. Nhưng thực ra, đặt điện thoại trên bàn thì cũng để đọc tin nhắn dễ hơn. Và rõ ràng, cái điện thoại của Monchi đang rung lên bần bật.
Rất ít cuộc gọi, nhưng tin nhắn thì đến liên tục, chủ yếu trên WhatsApp. Đây là cách các vụ thương thảo được vận hành. Màn "dạm hỏi" và những đề nghị đầu tiên đều được thực hiện qua phần mềm này, Monchi thích thế. Nhưng ông không cách nào trả lời hết các tin nhắn. Đang trả lời một tin, hàng tá tin khác đã đổ về. Monchi như bơi trong mớ bòng bong, và chỉ cố trả lời những tin quan trọng nhất. Nên trong điện thoại của ông, số tin chưa đọc nhiều hơn đáng kể so với tin đã đọc.
Monchi luôn thấy có lỗi về chuyện ấy, về mặt nghề nghiệp lẫn về mặt cá nhân. Vài ngày trước ông nói chuyện với Chủ tịch của một CLB. Họ bàn về việc thị trường chuyển nhượng đã trở nên điên cuồng như thế nào, khi bóng đá đang tái định hình chính nó. Thời gian ngày càng khan hiếm, và những người làm bóng đá lắm phen phải ngó lơ các đối tác, những người khác trong đời.
Giữa những cuồng phong đổi dời ấy, Monchi vẫn tồn tại và thích nghi. Trong hai thập kỷ qua, ông được biết đến bởi khả năng tìm người siêu việt lẫn trình độ đàm phán bậc thầy. Monchi nhớ mãi câu mà người bạn Chủ tịch nói với ông: "Kỳ chuyển nhượng là nơi ta dễ mất bạn nhất".
Không một đội bóng nào ở châu Âu mua bán hợp lí và thành công lâu dài như Sevilla. Trong gần 20 năm trở lại đây, họ nổi tiếng bởi khả năng mua đúng lúc và bán còn... đúng lúc hơn.
Cuối thế kỉ 20, Sevilla ngập trong nợ nần, vật lộn tại giải hạng Nhì Tây Ban Nha, và buộc phải bán sân nhà Sanchez Pizjuan, rồi thuê sân Olympic của thành phố Seville để dùng tạm. Nhưng sang thế kỷ 21, Sevilla giành Cup Nhà vua, Siêu Cup châu Âu, Siêu Cup Tây Ban Nha và thống trị Europa League với năm danh hiệu từ 2007 đến nay.
Khi Jose Castro - Chủ tịch hiện tại của CLB - gia nhập ban lãnh đạo Sevilla đầu những năm 2000, ngân sách thường niên của CLB chỉ là 18 triệu euro (khoảng 20 triệu USD). Bây giờ, ông hồ hởi thông báo con số ấy đã tăng lên thành 212 triệu euro (235 triệu USD). Castro nói: "Đấy là thành quả của nghệ thuật quản lý, không chỉ trên sân cỏ, mà ở mọi bộ phận".
Và Sevilla có một bộ phận, mà vai trò của nó vượt xa những phần còn lại. Đấy chính là bộ phận do Monchi đảm trách 20 năm về trước. Sevilla đột phá về mặt đẳng cấp như hiện nay chính là nhờ công tác tuyển mộ.
Có vô số những câu chuyện về sự thành công. Những cái tên như Ivan Rakitic, Julio Baptista và Clement Lenglet, đều được mua về rất rẻ và được bán với cái giá rất cao. Sevilla biến họ thành bước đệm trên con đường vươn mình của các ngôi sao tại châu Âu. Những người khác, như Luis Fabiano, Carlos Bacca và Frederic Kanoute, thì tận hưởng phong độ đỉnh cao nhất sự nghiệp tại đây. Họ đã giúp Sevilla không chỉ cạnh tranh sòng phẳng với những đội bóng lớn và còn giành những chiếc Cup.
Có ba thương vụ mà CLB luôn tự hào mỗi khi nhắc tới. Đầu tiên là vụ chuyển nhượng đã khởi nguồn tất cả: bán Jose Antonio Reyes, một tài năng cây nhà lá vườn, cho Arsenal năm 2004. Sự ra đi của Reyes đã vấp phải phản ứng giận dữ của người hâm mộ, nhưng giúp CLB củng cố đáng kể về mặt kinh tế. "Thương vụ đó không xóa hết nợ của chúng tôi, nhưng nó đã tạo ra một sự khác biệt lớn," Jose Maria Cruz, Giám đốc điều hành CLB, kể lại.
Tiếp theo là thương vụ đã làm nên tên tuổi Monchi. Hè 2003, Sevilla phái tuyển trạch viên đến dự khán giải vô địch U20 Nam Mỹ. Họ là CLB châu Âu duy nhất đưa tuyển trạch viên đến tận đây. Kết quả báo cáo được gửi về trụ sở, và Monchi lập tức chiêu mộ ngay anh chàng đá hậu vệ phải của Brazil, lúc ấy mới 18 tuổi. Đấy là Daniel Alves. Sau đó, người này lần lượt chơi cho Barcelona, Juventus và PSG với bộ sưu tập tổng cộng 40 danh hiệu tại châu Âu.
Thương vụ thứ ba có lẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến cách mà Sevilla mua bán cầu thủ ngày nay. Ngày 31/8/2005, lúc 20h30, điện thoại của Monchi reo lên. Real Madrid đã chi trả phí giải phóng hợp đồng cho hậu vệ trẻ của Sevilla, Sergio Ramos.
Monchi không bao giờ nghĩ Ramos sẽ rời đội bóng vào lúc đó, nên ông và đội ngũ đã không tìm kiếm thêm trung vệ. Ông nhớ lại: "Lúc ấy, chúng tôi chỉ đang gia cố thêm cho những vị trí mà mình còn yếu. Rồi thông tin đột ngột kéo đến, chúng tôi chỉ còn vài phút để kiếm ngay một người thay thế. Tôi không có bất kỳ cái tên nào trong danh sách cả, nên đành phó mặc cho số phận".
Monchi gọi cho một vài đối tác. Một người ông tin tưởng ở Bỉ đề xuất một cầu thủ người Serbia tên Ivica Dragutinovic. Monchi chưa từng thấy anh ta chơi bóng. "Tôi chỉ biết cậu ta là người da trắng, chỉ vậy thôi", ông nói. Nhưng Monchi đâu có nhiều lựa chọn, và Sevilla đã mua cầu thủ đó.
Dragutinovic đã có bảy năm chơi tại Sevilla và giành được sáu danh hiệu. Monchi nói: "Từ sau vụ đó, chúng tôi rút ra hai việc. Một là: khi cần gợi ý thì cứ nên gọi điện cho đối tác ấy. Hai là: phải tính đến mọi tình huống để không còn bị động như thế nữa".
Các tuyển trạch viên của Sevilla làm việc tại một văn phòng trên lầu hai của trung tâm huấn luyện. Vào mùa hè, văn phòng này thường vắng lặng. Chỉ có khoảng sáu bàn làm việc có người ngồi. Những người này không nghỉ việc, mà đã làm xong phần việc của họ. Và giờ là lúc Monchi làm việc cật lực.
Mọi thứ bắt đầu vào khoảng một năm trước. Vào giai đoạn đầu của mùa giải, mỗi tuyển trạch viên được giao nhiệm vụ rất rõ ràng. Họ phải bám sát một giải đấu lớn (Pháp, Italy, Brazil, Đức...), theo dõi tương đối hai giải trung bình (như Ba Lan, Colombia), và để mắt tới vài giải nhỏ (như Peru, Bolivia). Những giải nhỏ này thì chỉ cần theo dõi những cầu thủ được gọi vào các đội tuyển trẻ hoặc thi đấu ở các đấu trường quốc tế là đủ.
Hệ thống tuyển mộ của Sevilla hoạt động theo cách: Các tuyển trạch viên theo dõi những trận đấu tại những quốc gia mà họ được giao qua TV. Họ sẽ chỉ dự khán trực tiếp đối với những cầu thủ lọt vào danh sách rút gọn. Mỗi cầu thủ sẽ được xếp hạng từ A (kí hợp đồng ngay) tới D (cần xem xét thêm). Bất kì ai xếp hạng A hoặc B sẽ được phân tích kĩ hơn trên video.
Vào tháng 10, các tuyển trạch viên được triệu tập cho một cuộc họp. Ở đó, họ phải trình bày một đội hình đầy đủ bao gồm các cầu thủ từ các giải đấu mà họ theo dõi, phân loại theo vị trí – một bài học từ thương vụ Ramos. Từ những đội hình giả tưởng đó, CLB sẽ xây dựng một đội hình thay thế hợp lí.
Đây không phải là bóng đá viễn tưởng. Nó được tinh chỉnh sao cho phù hợp nhất với thực tế tài chính của CLB. Ví dụ: tuyển trạch viên Bồ Đào Nha của Sevilla đã phát hiện ra Joao Felix, ngôi sao trẻ sáng giá nhất nước này, thi đấu cho Benfica mùa trước. Rõ ràng những CLB lớn hơn, giàu hơn sẽ muốn có cậu ta, thế nên Felix bị gạch tên khỏi đội hình tân binh của Sevilla.
Một khi đội hình đó được tập hợp, các tuyển trạch viên sẽ bị xáo trộn, mỗi người sẽ chịu trách nhiệm đánh giá lại báo cáo của người kia. Cách làm này giúp dữ liệu trả về trụ sở là khách quan, chứ không phụ thuộc vào cảm tính của một tuyển trạch viên này. Những đội hình lý tưởng sẽ được theo dõi trên máy chủ nội bộ, liên tục thay đổi khi những bài báo cáo, xếp hạng được gửi tới, và các cầu thủ sẽ luôn được luân chuyển ra vào. Tất cả thông tin đều được lưu trữ. Tuy nhiên Sevilla không thể chi tiền cho những cầu thủ quá đắt.
Tới tháng 3, các tuyển trạch viên tập hợp một danh sách gồm 200 cái tên. Trong suốt tháng tiếp theo, Monchi và đội ngũ của ông sẽ sàng lọc họ, loại bỏ những người quá đắt tiền, quá khó giải phóng hoặc những người không phù hợp, cho tới tầm tháng 4 hoặc tháng 5, sẽ chỉ còn lại danh sách tám tới chín cầu thủ cho từng vị trí.
Đó là lúc Monchi nhấc điện thoại của ông lên. Ngay cả với tiêu chuẩn của Monchi, mùa hè vừa rồi quả thực rất bận rộn. Ông trở lại Sevilla vào tháng 3, sau hai năm đổi gió tại AS Roma. Ngay lập tức, Monchi nhận ra rằng CLB cần tiến hành một cuộc đại tu.
Đầu tiên là một HLV mới. Bắt đầu bằng một danh sách 25 cái tên, Monchi dần rút gọn các ứng viên, cho tới khi chọn Julen Lopetegui, cựu HLV tuyển Tây Ban Nha và Real Madrid. Đó chính là điểm khởi đầu. Lopetegui không quyết định tuyển mộ, nhưng ông luôn được tham vấn mỗi khi Monchi quyết định xuống tiền cho ai đó. "Nếu Julen bảo ông muốn có một hậu vệ rắn chắc, thì tôi sẽ rà qua danh sách và bảo rằng có 6 trên 10 người đạt yêu cầu đó," Monchi nói.
Chỉ khi Lopetegui nhận việc, công cuộc tái thiết mới thật sự bắt đầu. Tới giữa tháng 7, những sự đổi mới của Monchi đã trở nên rõ ràng. Sevilla đã có chữ kí của 12 cầu thủ, sau khi CLB chi ra gần 100 triệu euro (111 triệu USD).
Các thương vụ đều mang dấu ấn của Monchi: ba người từ Pháp, quốc gia có giải đấu mà Monchi thích vì yếu tố cạnh tranh cân bằng. Một vụ khác, Oliver Torres, một cầu thủ Tây Ban Nha từng được xem như ngôi sao sáng tại Atletico Madrid, đã chuyển qua Bồ Đào Nha trong những năm gần đây. Joan Jordan gia nhập từ Eibar, Sergio Reguilon chuyển tới dưới dạng cho mượn từ Real Madrid. Monchi thích những cầu thủ khao khát vươn mình, hoặc những người sẵn sàng chùng xuống để chứng tỏ bản thân.
Để cân bằng, CLB cũng cần phải bán bớt nhân sự, bao gồm cầu thủ chạy cánh, Pablo Sarabia, cho PSG. Người hâm mộ lẫn nội bộ CLB đều không quá âu lo dù người đến - người đi tấp nập. "Có những CLB cho rằng việc bán cầu thủ sẽ ảnh hưởng đến màn trình diễn của họ trên sân cỏ," Giám đốc điều hành Jose Maria Cruzchia sẻ. "Chúng tôi không vội vã. Nếu một lời mời được gửi tới, điều đó hoàn toàn bình thường. Chúng tôi không khóc. Chúng tôi hiểu được vị thế của mình so với những CLB giàu hơn. Và người hâm mộ trong những năm gần đây đã thấy được rằng những sự thay thế cũng chất lượng không kém."
Họ tin vào khả năng làm việc của các tuyển trạch viên. Theo thời gian, Monchi đã chứng minh rằng Sevilla có thể mua bán và trỗi dậy mạnh mẽ. Không ai hiểu về thị trường hơn ông; không đội bóng nào giao dịch khôn khéo hơn Sevilla.
Và khi được hỏi về bí quyết , câu trả lời của Monchi không liên quan gì tới chuyển nhượng, với công tác tuyển trạch, với những bản hợp đồng. Điều đã biến đổi CLB không diễn ra vào mùa hè, mà là sau đó.
Các cầu thủ tìm tới những CLB và những môi trường mà họ muốn – một nơi "cho họ tất cả" – và cách họ trưởng thành, được cổ vũ và tỏa sáng.
Monchi cũng đã chứng kiến tất cả các cầu thủ ông mua về rời Sevilla. Chính điều đó cho ông biết tại sao ông lại thành công tới vậy. "Có bao nhiêu người rời đi và chỉ trích CLB?" ông nói. "Không có ai cả. Hãy hỏi Rakitic, Dragutinovic, Alves và tất cả người khác rằng họ có còn là một người con của Sevilla không. Họ sẽ trả lời là Có".
Đôi khi cách chúng ta tiễn người đi sẽ quyết định khi một ai đó muốn đến. Văn hóa doanh nghiệp hay công ty cũng đều dựa trên điểm mấu chốt này mà thôi.
Hoài Thương tổng hợp