Covid-19 khiến ngành kinh doanh bất động sản của Suning gặp khó khăn. Giá cổ phiếu chỉ còn một nửa. Suning lên kế hoạch bán lại gần 25% tài sản cho Chính phủ Trung Quốc, và theo The Athetic (Anh), một trong những điều kiện mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra là tập đoàn này sẽ dừng rót tiền vào bóng đá.
Ra đời năm 1990, Suning đi lên từ một công ty bán linh kiện điều hòa không khí tại thị trường Trung Quốc. Dưới quyền nhà đồng sáng lập Trương Cận Đông, doanh nghiệp này nhanh chóng trở thành tập đoàn lớn đa lĩnh vực, từ truyền thông, bất động sản, thể thao đến công nghệ, biến Trương thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.
Từ 2017, Suning đổi tên thành Suning.com, để tập trung vào lĩnh vực chủ đạo là bán lẻ trực tuyến. Lẽ ra, với cổ phần từ Alibaba và doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Hoa Jack Ma, Suning có thể vượt qua khó khăn tài chính trước mắt, nhưng rồi Jack Ma gặp rắc rối với chính quyền Trung Quốc, dẫn đến tình trạng hiện giờ. Suning không còn cách nào khác, buộc phải bán bớt cổ phần cho Chính phủ.
Khi còn hùng mạnh, năm 2015, Suning mua lại đội Jiangsu (Giang Tô) ở giải VĐQG Trung Quốc (CSL), cấp tiền mua Ramires và Alex Teixeira trong một kỳ chuyển nhượng, đồng thời, thuê HLV Fabio Capello. Đây là bước khởi động trước khi Suning chi 320 triệu USD mua Inter, rồi thâu tóm PPTV - dịch vụ truyền hình nắm giữ bản quyền nhiều giải bóng đá lớn ở Trung Quốc.
Tháng 11/2020, Giang Tô lần đầu vô địch CSL sau khi hạ Quảng Châu Hằng Đại trong trận chung kết, nhờ các bàn của Teixeira và Eder - một cựu tuyển thủ Italy. Nhưng chỉ ba tháng sau đó, hôm 28/2, Suning tuyên bố: "Công ty mẹ Suning tạm dừng hoạt động của đội bóng Giang Tô. Không chỉ đội bóng đá nam, mà đội nữ vào loại mạnh nhất Trung Quốc và các tuyến trẻ cũng bị đóng băng".
Giang Tô loại Suning khỏi tên đội bóng dưới sức ép của LĐBĐ Trung Quốc (CFA). Đây là cánh tay nối dài của Chính phủ Trung Quốc, những người cho rằng Suning nên dùng tiền cứu các ngành kinh doanh của họ, thay vì đổ tiền cho bóng đá. Ngay trong mùa giải vô địch, cầu thủ Giang Tô nhiều lần bị chậm lương.
Simon Chadwick, Giáo sư bóng đá của Trường Kinh doanh Emlyon, nhận xét: "Suning là hiện thân của lối làm bóng đá kiểu Trung Quốc. Nước này có đại kế hoạch phục sinh bóng đá từ năm 2015, rất tham vọng, nhưng ít thực tiễn. Việc kêu gọi các doanh nghiệp làm bóng đá biến tướng thành các thương vụ hao tiền tiền tốn của". Chadwick tin rằng "sự sụp đổ bắt đầu khi Tevez gia nhập Thân Hoa Thượng Hải và Oscar đến Thượng Hải SIPG". Chính phủ Trung Quốc cũng thúc ép Wanda - một tập đoàn lớn khác - bán hết cổ phần tại Atletico Madrid, vì lo chảy máu ngoại tệ. Vấn đề Suning, vì thế, mang tính nguyên mẫu của nền bóng đá Trung Quốc.
Khủng hoảng của Suning lan đến cả Inter, đội bóng mà tập đoàn này đã tiếp quản từ hè 2016. Để "chào sân", tập đoàn này ngay lập tức chứng minh sự nghiêm túc trong vụ làm ăn bằng cách chi tiền đầu tư, tương tự cách mà các đời chủ Inter trước kia như Ernesto Pellegrini mua Quả Bóng Vàng Karl-Heinz Rummenigge, hay Massimo Moratti mua Paul Ince, Roberto Carlos, Javier Zanetti rồi Ronaldo.
Tổng cộng, Suning đã tiêu gần 500 triệu USD vào khâu chuyển nhượng ở Inter, biến đội bóng thành đội chi nhiều tiền nhất Serie A trong gần năm năm qua.
Khi Inter hạ Lazio ngay tại Olimpico ở vòng cuối Serie A mùa 2017-2018 để trở lại Champions League, mọi chuyện dường như đều tốt. Trong bữa tiệc Giáng sinh 2018, Steven Zhang (Trương Khang Dương - con trai của Trương Cận Đông) Chủ tịch trẻ nhất bóng đá châu Âu, tự hào tuyên bố: "Cuối cùng, chúng ta cũng đủ khả năng nói về việc ganh đua và giành lấy các danh hiệu - điều Inter luôn làm trong quá khứ. Mỗi trận đấu, mỗi giải đấu bây giờ đều là mục tiêu".
Được học hành bài bản tại Mỹ, Steven Zhang, năm nay 30 tuổi, nhận ra Inter không chỉ là một CLB thể thao, mà còn là một biểu tượng. Sự trẻ trung của vị Chủ tịch này giúp Inter làm được nhiều điều họ chưa từng nghĩ đến: Thiết kế lại logo CLB, xây dựng một studio giải trí. Steven Zhang còn thành lập Inter Media House - một bộ phận chuyên xây dựng nội dung truyền thông. Với sự hỗ trợ của Suning, Inter chuyển đến văn phòng mới hiện đại tại quận Porta Nouva tại Milan. Sân tập Appiano Gentile cũng được cải tạo. Giuseppe Marotta được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành. Đến bước này, Inter gần như có đủ ban bệ để được gọi là một siêu CLB.
Việc bổ nhiệm Antonio Conte và trả mức lương 11 triệu euro mỗi năm - bằng lương của Andrea Pirlo (Juventus), Gian Piero Gasperini (Atalanta), Paulo Fonseca (Roma) và Stefano Pioli (Milan) cộng lại - cụ thể hóa tham vọng của Suning và Inter trên sân cỏ. Romelu Lukaku được chiêu mộ với giá 100 triệu USD, cùng các bản hợp đồng tiềm năng, tiêu biểu là Nicolo Barella từ Cagliari.
Nhưng các vụ đầu tư này gặp trở ngại lớn khi Covid-19 ập đến. Sân bóng đóng cửa khiến Inter thâm hụt hơn 70 triệu USD tiền vé - một nguồn thu quan trọng với họ, vì đội có 65.800 khán giả tới San Siro trung bình mỗi trận - cao nhất Serie A. Việc Sky Italia giữ lại 155 triệu USD tiền bản quyền truyền hình, cùng với sự rút lui của các nhà tài trợ lâu năm, càng khiến tình hình thêm phức tạp.
Thương hiệu lốp xe Pirelli, gắn bó với đội từ năm 1995, sẽ không xuất hiện trên áo đấu Inter từ mùa tới. Mỗi năm, hợp đồng này mang về 13 triệu USD. Tổng cộng, Inter mất 120 triệu USD do dịch bệnh - khoản thâm hụt lớn nhất trong số các đội châu Âu, chưa kể khoản nợ ngày càng phình to.
"Dự án đã dừng từ tháng Tám", Conte than thở sau khi Inter mua hậu vệ phải Achraf Hakimi từ Real Madrid giá 45 triệu USD. Hầu hết các vụ chuyển nhượng sau đó đều miễn phí, hoặc có phí rất rẻ. Arturo Vidal, Aleksandar Kolarov và Alexis Sanchez là số này. Một thành viên của ngân hàng Goldman Sachs tiết lộ trên Financial Times: "Rất nhiều đội bóng sử dụng thị trường chuyển nhượng để duy trì dòng tiền. Gần như không đội nào dư dả tiền bạc".
Inter trở thành con nợ bị phàn nàn nhiều nhất. Tháng 1/2021, Ủy ban Olympic Italia (CONI) thông báo rằng, người đại diện của Eriksen yêu cầu họ phân xử khúc mắc trong vụ chuyển nhượng tiền vệ này. Corriere dello Sport đưa tin, Real không hài lòng vì Inter trả chậm khoản thanh toán đầu tiên của vụ Hakimi. Gần đây, Man Utd cũng nói về việc Inter chậm trả khoản tiền thưởng phát sinh theo thành tích cá nhân của Romelu Lukaku, trong điều khoản mà hai đội đã ký.
Một mặt, Steven Zhang bác tin đồn Suning sẽ bán Inter, gọi các bài báo là "vô căn cứ". Nhưng mặt khác, ông không phủ nhận được thông tin từ Financial Times: đội Inter cần huy động gấp khoảng 240 triệu USD để hoạt động. Khoản tiền này, theo Steven Zhang, có thể đến từ việc bán một phần quyền sở hữu đội bóng, hoặc theo hình thức tài trợ không hoàn lại. Suning đang tìm các cố vấn tài chính hàng đầu châu Á để đẩy nhanh hoạt động này.
Một số đối tác muốn mua đứt Inter. Đó là BC Partners, một quỹ đầu tư có trụ sở ở London, đã đàm phán với Suning. Nhưng hai bên chưa đi đến thống nhất. Đối tác không hài lòng khi Suning đòi từ 830 triệu đến 1,2 tỷ USD cho một CLB đang thua lỗ liên tiếp. Trong khi đó, Inter cũng ủng hộ và hy vọng sớm được gia nhập Super League - một siêu giải đấu cấp CLB châu Âu nhưng mới đang dừng ở mức ý tưởng - hòng tăng cơ hội kiếm tiền. Dù vậy, chuyện này cũng rất mù mờ.
Do vậy, tương lai Inter đang bấp bênh, khiến ngay cả HLV Conte cũng phát cáu khi các phóng viên liên tục chất vấn. "Ở một đội như Inter, ngoài chuyên môn, bạn phải bỏ ngoài tai các chuyện bên lề", ông nói sau trận thắng Genoa gần đây. "Tôi tập trung hoàn toàn năng lượng vào những việc nằm trong quyền hạn, không quan tâm đến phần còn lại".
Đỗ Hiếu (theo The Athletic)