Hứa Hân chưa một lần vô địch thế giới nội dung đơn nam. So với hai đồng đội còn lại ở đội tuyển bóng bàn nam Trung Quốc, Mã Long và Trương Kế Khoa, thành tích cá nhân của anh cũng kém ấn tượng. Tuy nhiên, lối cầm vợt dọc của VĐV sinh năm 1990 được xem là khắc tinh của các đối thủ châu Âu. Trái bóng từ vợt của anh rất xoáy và khó lường, khiến những VĐV châu Âu (phần lớn có thể hình cao lớn) gặp khó khi muốn trả bóng. Lối cầm vợt dọc do người Trung Quốc sáng chế từ khoảng thập niên 1990, khi mô phỏng cách cầm đũa. Họ luôn tự hào vì lối cầm vợt đặc biệt này, vốn lưu danh sử sách với những tên tuổi như Mã Lâm, Vương Hạo. Trong bối cảnh không một tay vợt Trung Quốc nào trong top 300 chơi được kiểu này, Hứa Hân càng được tôn sùng.
Tất nhiên, đó không phải là điểm đặc biệt duy nhất. Hứa Hân có thực tài. Truyền thông thế giới đặt biệt danh cho anh là "Xuper-man" (theo tên tiếng Trung của anh - Xu Xin), nhằm tôn vinh những pha trả bóng xa bàn đẹp mắt. CĐV Trung Quốc thậm chí gọi anh là "Nghệ sĩ nhân dân", bởi không một tay vợt đỉnh cao nào hiện tại, kể cả Mã Long, đem lại nhiều cảm xúc như khi xem Hứa Hân thi đấu. Video ghi lại pha đôi công của anh tại Trung Quốc Mở rộng 2015, với tổng cộng 42 lần chạm vợt, thu hút hàng triệu lượt xem. Cũng trong năm ấy, Hứa khiến người đồng đội ở đội tuyển Trung Quốc - Phàn Chấn Đông - bất lực khi tấn công ở giải Nhật Bản Mở rộng. Khi ấy, Phàn ở thế công, buộc Hứa phải phòng thủ từ sát vách ngăn khu vực thi đấu. Nhưng, anh vẫn bình tĩnh trả bóng chính xác trước những cú đập bóng xoáy của Phàn. Cuối cùng, Phàn đánh rơi vợt và chịu thua.
Đã có giai đoạn, chỉ những tay vợt Trung Quốc mới có thể trụ được trước cách đánh độc đáo này: từ lợi thế bóng xoáy của quả phát, lối đánh biến hóa đến quả giật uy lực và khả năng né trái. Sau khi trái bóng bàn tăng đường kính lên 40mm kèm nhiều điều luật khác, vợt dọc mất ưu thế, đặc biệt là tốc độ ở những quả thuận tay. Nhưng, Hứa Hân không bị đào thải.
Giống Mã Long, Hứa Hân là một tài năng phát tiết sớm. 14 tuổi, anh thâu tóm cả ba HC vàng ở giải trẻ vô địch Trung Quốc. 16 tuổi, Hứa được triệu tập vào đội tuyển. 17 tuổi, tay vợt thuận tay trái hạ số một thế giới Vương Lệ Cần tại giải vô địch quốc gia. 18 tuổi, anh giúp Trung Quốc vô địch nội dung đồng đội ở Belarus Mở rộng. Tổng cộng, Hứa Hân giành 17 danh hiệu đơn World Tour, ba lần đăng quang đôi nam, hai lần ở nội dung đôi nam nữ tại giải vô địch thế giới. Năm 2013, anh từng leo lên số một thế giới.
Bí quyết thành công của Hứa là sớm tìm ra cách cầm vợt phù hợp. So với Mã Long và Trương Kế Khoa, Hứa Hân cao hơn (1m81), sải tay và chân dài giúp anh bao được khoảng không phía xa bàn nhiều hơn. Tuy nhiên, phản xạ trên bàn của Hứa không phải dạng tốt. Cùng với niềm đam mê thần tượng Mã Lâm từ nhỏ, anh được hướng cầm vợt dọc, vừa để phát huy khả năng phòng ngự, vừa tăng thêm độ xoáy cho trái bóng khi đánh trả, nhằm hạn chế lối đánh bóng ngắn.
Bên cạnh đó Hứa cũng cải biến lối đánh. Anh không ôm bàn giống nhiều đàn anh vợt dọc truyền thống, mà di chuyển liên tục theo bộ pháp nửa bước. Nhờ bộ chân luôn nhún nhảy không ngừng, tay vợt sinh năm 1990 không ngại những cú thuận tay, thậm chí dễ dàng chuyển từ thủ sang công, nếu đối phương không siết bóng đủ nặng.
HLV tuyển bóng bàn Trung Quốc, Ngô Kính Bình, là người trực tiếp dìu dắt và đưa Hứa Hân lên một tầm cao mới. Bên cạnh việc để học trò tự sáng tạo những cú đánh độc đáo, ông đề cao và yêu cầu rất khắt khe bộ chân. "Tôi phải thay đổi thói quen cũ của họ, đặc biệt là những quả giật. Thay vì làm với biên độ nhỏ, nhanh, tôi muốn các động tác phải phóng khoáng, nhanh nhẹn sao cho khống chế được không gian rộng nhất. Đặc biệt, quả giật phải mạnh và liên tục, nhất là từ cự ly trung bình", ông nói.
Hứa Hân thường nán lại hàng giờ sau những buổi tập kỹ thuật, nhằm phối hợp nhuần nhuyễn và phát lực tối đa từ chân, hông và cổ tay. Kết quả, anh thoải mái phòng ngự xa bàn bằng những đường bóng hình cây nêu. Nếu bóng đá đương đại có Lionel Messi tạo ra những tuyệt phẩm, bóng bàn cũng tự hào khi sản sinh ra nghệ sĩ vợt dọc Hứa Hân.
Tinh thần cũng là vũ khí giúp Hứa Hân trụ vững trong sự mai một của trào lưu vợt dọc. Dù thua sút thành tích đối đầu khi gặp Mã Long, Trương Kế Khoa và Phàn Chấn Đông, tay vợt quê Giang Tô vẫn từng bước khắc phục điểm yếu của lối đánh này, chủ yếu nằm ở quả trái khi đối đầu quả phải từ đối phương. Anh đủ tự tin hướng tới những loạt bóng bền, nơi bộ chân và kỹ năng phòng ngự xa bàn có thể khắc chế được lối đánh hiện đại của Trương, cũng như cú phải uy lực hiếm có của Mã Long.
Ở tuổi 30, Hứa Hân vẫn ước mơ một lần được dự nội dung đơn nam tại Olympic. Và Tokyo 2021 là cơ hội cuối cùng để anh làm điều ấy, dù nó suýt lỡ dở vì trận thua Simon Goetz tại Hungary Mở rộng hồi tháng 1/2019.
Sau thất bại đó, Hứa được HLV Lưu Quốc Lương gọi vào phòng và khuyên nên tập trung vào các nội dung đánh đôi, thay vì đánh đơn. Nhưng anh không nản chí. Sau khi nghỉ một giải World Tour, "Xuper-man" trở lại mạnh mẽ và vô địch liền ba giải World Tour trong một tháng, tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Tháng 1/2020, nghệ sĩ vợt dọc tiếp tục gây tiếng vang khi hạ Mã Long ở chung kết Đức Mở rộng.
"Mã Long là một tay vợt huyền thoại. Thật vui khi được so tài cùng anh ấy", Hứa Hân nói. "Dù thất bại trước Mã Long nhiều hơn, tôi có thể tự hào nói rằng mình đủ sức hạ anh ấy ở đỉnh cao phong độ". Tuyên bố này giống như lời đáp trả cho những chỉ trích một năm trước về việc tụt hậu của Hứa so với lứa đàn em.
Sau khi Trương Kế Khoa nói lời chia tay đội tuyển, bây giờ là lúc Hứa Hân hướng đến việc giành danh hiệu đơn nam đầu tiên ở Olympic. Không ai biết kế hoạch của Hứa sẽ đi xa tới đâu, bởi trước mặt anh vẫn còn một Phàn Chấn Đông sung sức. Bên cạnh đó là tham vọng thâu tóm toàn bộ năm HC vàng của bóng bàn Trung Quốc, nơi anh - nếu toàn tâm tham dự nội dung đôi nam nữ cùng Lưu Thi Văn - có thể xem là vô địch thiên hạ.
Thắng Nguyễn tổng hợp