"Khi tôi nhìn thấy bóng bay vào lưới, đó là một khoảnh khắc vô cùng xúc động, và tôi thật hạnh phúc khi chia sẻ niềm vui đó với tất cả đồng đội. Tôi không thể tìm ra được từ nào để miêu tả cho khoảnh khắc này. Chỉ biết rằng tôi rất hạnh phúc, và tất cả chúng tôi cũng thế. Đó là một giấc mơ, từng chút, từng chút một đã trở thành sự thật", Grosso nói về khoảnh khắc anh cứa lòng vào lưới Jens Lehmann trong trận Đức - Italy ở bán kết World Cup 2006.
Mười năm đã trôi qua kể từ ngày Fabio Grosso chia sẻ cảm xúc đó, nhưng khoảnh khắc anh ghi bàn vẫn như thể mới chỉ diễn ra hôm qua. Ngày 4/7/2006, phút cuối cùng của hiệp phụ thứ hai trận đấu trên sân Westfallen, Dortmund, Andrea Pirlo rót một đường chuyền hiểm hóc được ví như "chén thuốc độc dành cho Đức", đưa bóng đến cho Grosso. Chàng trai đeo áo số 3 tung ra cú cứa lòng một chạm về phía góc xa khung thành, quả bóng cuộn vào lưới trong sự thảng thốt của những người yêu mến đội tuyển Đức.
Đấy đã là phút thứ 119, và Fabio Grosso vừa chạy vừa gào lên, đôi mắt say sưa và miệng cười mà như sắp khóc. Rồi từ đó, đôi mắt đắm chìm trong hạnh phúc ấy của Grosso sánh cùng cái nắm chặt tay của Marco Tardelli ở World Cup 1982, trở thành hai biểu tượng chiến thắng bất tử của bóng đá Italy.
Trong trận bán kết này, HLV Lippi thực hiện hai quyền thay người trong hiệp phụ - đưa Iaquinta và Del Piero vào sân để chơi với sơ đồ ba tiền đạo. Động thái này được lý giải rằng người Italy hôm đó rất sợ loạt đấu súng may rủi, nhất là khi đối thủ là tuyển Đức. Nhưng Grosso đã xuất hiện, và giải thoát tuyển Italy khỏi nỗi sợ hãi ấy.
Một tuần trước trận bán kết, chính "người hùng tỉnh lẻ" này cũng kiếm về cho Italy quả phạt đền vào phút bù giờ thứ năm của hiệp hai trận đấu với Australia ở vòng 1/8 (xem video). Thời điểm ấy, Italy chỉ còn thi đấu với 10 người vì Marco Materazzi đã bị đuổi khỏi sân. Nếu không có pha đột phá và cú ngã láu cá của Grosso sau một pha lên tham gia tấn công bên cánh trái, Italy rất có thể sẽ không chịu đựng nổi hai hiệp phụ, với cuộc đua thể lực đang chuẩn bị được "Phù thủy" Guus Hiddink giăng ra.
Suốt một chặng đường vinh quang World Cup 2006, vào những phút ngặt nghèo nhất của họ, binh đoàn thiên thanh luôn có Grosso đứng ra xử lý. Đây có lẽ là lý do khiến Lippi chọn anh đá quả luân lưu thứ năm trong loạt đấu súng với Pháp. Định mệnh gọi tên Fabio Grosso, người sinh ra để dành cho giải đấu năm ấy, để biến ước nguyện dài đằng đẵng 24 năm của Italy thành hiện thực.
Người hùng nào cũng có xuất phát điểm, và định mệnh chỉ đặt vào tay những ai giàu bản lĩnh. Chàng trai có mái tóc xoăn và đôi mắt sâu ấy đến từ Palermo - thủ phủ của Sicily, quê hương của mafia Italy. Anh cùng với Simone Barone, Andrea Bazgali, và Cristian Zaccardo là bốn cầu thủ được Lippi chọn từ Palermo đem sang Đức. Xét về quân số trong thành phần Italy dự World Cup 2006, Palermo chỉ đứng sau AC Milan và Juventus (mỗi đội có năm người), bỏ xa Inter, Roma hay Lazio.
Italy đến dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh tại Đức năm ấy khi đang rúng động trong cơn bão dàn xếp tỷ số Calciopoli. Nếu Italy thất bại tại World Cup 2006, điều khủng khiếp sẽ chờ đợi các cầu thủ và cá nhân Lippi sau giải đấu này. Trong cơn khủng hoảng đó, Lippi đã dùng bệ đỡ của những người Juventus (Buffon - Cannvaro), bên nhịp đập trái tim Milan (Pirlo), kết hợp với sự lì lợm của chàng trai thần tài từ Palermo (Grosso) để đối đầu với áp lực khủng khiếp đến từ toà án ở quê nhà. Số phận chọn Italy, nhưng chính họ đã nắm bắt lấy nó từ những điểm nhỏ nhất.
Fabio Grosso kế thừa chiếc áo số 3 cùng hành lang trái của Italy từ Paolo Maldini huyền thoại. Nhưng hai cầu thủ cùng đeo áo số 3 cùng được các tifosi yêu quý này lại có sự nghiệp trái ngược nhau một cách lạ lùng. Maldini sinh ra ở Milano, khoác áo đội trẻ AC Milan từ ngày đầu. Grosso trưởng thành từ một đội bóng tỉnh lẻ hiện chinh chiến ở Serie D tên là Renato Curi, và chỉ được biết đến khi ở tuổi 28. Maldini có một sự nghiệp lẫy lừng ở CLB, còn Grosso chỉ toàn các tháng ngày trôi dạt qua bảy CLB và giải nghệ ở tuổi 34.
Maldini khoác áo 126 trận cho Italy, chinh chiến ở tám kỳ Euro và World Cup. Grosso chỉ có vỏn vẹn 48 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, dự vẻn vẹn hai giải đấu lớn là World Cup 2006 và Euro 2008. Dù vậy, Maldini không một lần được hưởng vinh quang ở Euro hay World Cup. Còn Grosso như vệt sao băng ngắn ngủi, nhưng lại rực rỡ để được nhắc đến mãi trong chức vô địch World Cup 2006.
Bóng đá là ánh xạ cuộc đời, và hai chàng trai số 3 đẹp như nắng Địa Trung Hải đó chính là hiện thân của sự bù trừ đặc biệt trong cuộc đời này.
Hôm 28/11/2016 vừa qua là sinh nhật như 39 của Fabio Grosso. Anh đến một lần vào nắng hè Berlin và trôi về quên lãng của sự nghiệp, nhưng vĩnh viễn ở lại trong tim của hàng triệu tifosi, nơi đó anh như vệt lưu tinh huy hoàng cùng đôi mắt say đắm, và mãi mãi dừng ở khoảnh khắc năm 2006 đó.
Dũng Phan