Đường đua Sepang. |
Ngoài Nhật Bản, trong lịch sử, các cuộc đua ôtô tại châu Á thường xuyên bị ảnh hưởng do thiếu tiềm lực tài chính vững vàng và sự bất ổn về chính trị. Cho tới những năm gần đây mới có dấu hiệu cho thấy châu Á sẽ đóng góp vai trò quan trọng hơn trong môn thể thao tốc độ nhất thế giới này. Cùng với xứ sở Phù Tang, Malaysia là nước tiên phong trong việc xây dựng đường đua Sepang để tổ chức Grand Prix Malaysia.
Malaysia có truyền thống trong việc tổ chức các cuộc đua xe, bắt đầu từ khi hầu hết các nước trong khu vực còn là thuộc địa của châu Âu. Các hãng ôtô lớn của châu Âu tiến hành các cuộc tranh tài nhằm cạnh tranh với nhau trên thị trường này. Kết thúc Thế chiến II, hệ thống thuộc địa tan rã, nhà nước mới thành lập của Malaysia có quá nhiều việc phải làm hơn là quan tâm đến môn đua xe. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những cuộc đua được tổ chức ngay trên các con đường, ví dụ như tại Penang hay Kualar Lumpur. Tới thập niên 60 của thế kỷ trước, một đường đua chuyên biệt ở Shah Alam (bang Selangor) được xây dựng. Đầu những năm 80, giải Formula Atlantic được tổ chức tại đây. Trong nỗ lực thu hút những cuộc tranh tài quốc tế lớn, người ta đã tiến hành cải tạo và kéo dài đường đua để tổ chức giải vô địch xe ôtô thể thao thế giới vào năm 1985. Những năm gần đây, Shah Alam là nơi diễn ra giải vô địch dành cho xe máy của Malaysia. Các cuộc tranh tài còn được tổ chức ở Pasir Gudang, thành phố cảng công nghiệp nằm gần Singapore. Nơi đây lần đầu tiên được giới hâm mộ biết tới với cuộc đua F3 vào năm 1989, nhưng tới năm 1998 đường đua này mới đón nhận một sự kiện lớn: một chặng của giải vô địch xe gắn máy thế giới do Liên đoàn ôtô quốc tế (FIA) tổ chức.
Quang cảnh Sepang từ trên nhìn xuống. |
Abdulah Hamid Mohd Ali, người điều hành Sepang cho biết: "Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là tạo ra cho các VĐV cơ hội vượt qua đối thủ bất kỳ lúc nào. Để làm điều đó, chúng tôi phải lựa chọn xây dựng đường đua với độ rộng dao động khoảng 16-25 m, trong khi thông thường chỉ là 8-12 m. Tiếp đó, chúng tôi tập trung vào việc thiết kế toàn cảnh khu vực để tạo nên một sân vận động dành riêng cho đua ôtô. Tại khán đài chính, dài tới 140 m, đón được chừng 50.000 CĐV, bạn có thể nhìn thấy 70% quang cảnh đường đua, và việc quan sát các diễn biến trở nên hết sức thuận lợi. Chúng tôi cũng là những người đầu tiên áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát bằng điện tử trên từng đoạn đường".
Ngoài hai khán đài chính lớn được xây dựng đối diện khu vực xuất phát, người ta còn tạo các khu khác dành cho khán giả với kiến trúc hiện đại. Trung tâm báo chí có thể đáp ứng hoạt động của 600 phóng viên cùng lúc. Ngoài ra còn có các phòng dành cho những nhân vật quan trọng với đầy đủ tiện nghi. Không chi tiết nào bị bỏ qua, dù là nhỏ nhất. Ngay cả hướng của đường đua cũng được lựa chọn làm sao để không chói mắt các tay đua cũng như khán giả.
Lê Trần (theo Auto-Hebdo)