"Trong bất kỳ lĩnh vực nào, dù là giải trí hay thể thao, sự vĩ đại được xác định bởi thời gian một nhân vật ngự trị trên đỉnh cao. Bởi vì vươn lên đỉnh cao đã khó, trụ ở đó lại càng khó bội phần. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những ngôi sao vụt sáng, ngắn ngủi thôi nhưng vô cùng rực rỡ. Trong hai năm gió cuốn, từ 1997 đến 1999, có một thủ môn từ Argentina đến Tây Ban Nha, giành danh hiệu Zamora cùng với một đội bóng không mấy tiếng tăm, giúp Argentina loại Anh ở World Cup 1998 rồi sau đó mất tích để đi theo tiếng gọi của tôn giáo. Người thủ môn ấy chính là Carlos Angel Roa."
Đấy là những lời khởi đầu của cây bút Daniel Williamson trong bài viết về người thủ thành kỳ dị này cho trang thesefootballtimes.
Carlos Angel Roa sinh ra vào một ngày tháng 8/1969 ở thành phố Santa Fe, Argentina. Cách đấy không xa là nơi sẽ ươm mầm cho tài năng của anh, thành phố cảng Avellaneda. Nơi này ngăn cách với thủ đô Buenos Aires bởi dòng sông Matanza. Ở đó, anh trải qua 5 năm đầu sự nghiệp thi đấu cho CLB lừng danh Racing Club. Ra mắt đội một tháng 11/1988 năm 19 tuổi, anh nhanh chóng chạm đến cột mốc 100 lần khoác áo Racing.
Ngay trong chặng đầu sự nghiệp, Roa đã gặp chuyện kỳ lạ. Một mùa hè nọ, khi châu Á và Mỹ chưa phải là điểm đến lý tưởng, Racing quyết định đến tập huấn tại... Congo. Ở quốc gia châu Phi này, Roa dính bệnh sốt rét, ngày ấy hãy là một căn bệnh nguy hiểm. Vậy mà Roa lại phục hồi rất nhanh và đấy chỉ là khúc cua đầu tiên trong cuộc đời đầy những chuyện ly kỳ của anh.
Năm 1994, Roa đến Buenos Aires để gia nhập CLB Club Atletico Lanus, để thay thế cho thủ thành rất được yêu mến của CLB này vào lúc ấy là Marcelo Ojeda, đã sang Tây Ban Nha. Trong ba năm ở đây, Roa cũng chơi hơn 100 trận và cùng với CLB giành lấy những thành công chưa từng có. Với Roa trong khung gỗ, Lanus ba lần cán đích giải vô địch ở vị trí thứ ba và giành Copa COMNEBOL năm 1996, thành tích không mơ nổi với đội bóng có tiềm lực hạn chế này.
Phong độ ấy giúp Roa vượt Đại Tây Dương vào năm 1997 để sang Tây Ban Nha chơi cho Mallorca. Trên chuyến bay mang Roa từ Argentina sang xứ Iberia ngày ấy còn có ông thầy của anh ở Lanus là Hector Cuper. Và ở Mallorca, hai thầy trò viết một câu chuyện cảm xúc tương tự như thuở còn ở Lanus. Bằng tài năng tuyệt vời, anh giúp CLB chỉ vừa leo lên giải hạng Nhì này trực chỉ giải hạng Nhất.
Với một đội hình gồm có Marcelino, Ivan Campo và Juan Valeron, Mallorca cùng vươn đến thành tích tốt nhất lịch sử ở cả hai mặt trận La Liga và Cúp Nhà vua. Mallorca kết thúc mùa giải đầu tiên ở La Liga, sau 5 năm lặn ngụp ở giải hạng Nhì, ở vị trí thứ năm. Còn ở Cúp Nhà vua, họ kết thúc với vị trí Á quân (trước đó, thành tích tốt nhất là vào tứ kết). Do Barca, đội hạ họ ở chung kết, đã có vé dự Champions League, Mallorca lấy luôn vé dự Cup C2 lần đầu tiên trong lịch sử.
Nhờ thể hiện ở Mallorca, Roa chiếm luôn vị trí số một ở đội tuyển Argentina. World Cup 1998, với Roa trong khung gỗ, bộ ba hậu vệ Jose Chamot, Roberto Ayala và Roberto Sensini phía trên, Argentina kết thúc vòng bảng mà không lọt lưới bàn nào. Ở vòng 1/8, Roa lọt lưới liền hai bàn trong vòng có sáu phút. Đầu tiên là quả phạt đền của Alan Shearer, sau đó là bàn thua từ cú solo bất hủ của thần đồng Michael Owen. Trận đấu phải vào hiệp phụ và thi sút luân lưu. Ở đó, Roa cản phá hai cú sút của Paul Ince và David Batty để mang Argentina vào tứ kết.
Argentina rốt cục đã dừng chân trước Hà Lan, nhưng Roa chính thức được thừa nhận như một trong những thủ thành tài ba nhất thế giới lúc ấy.
Mùa giải 1997-1998 đã tốt, mùa giải tiếp theo lại còn tốt hơn. Mallorca kết thúc mùa giải ở tận vị trí thứ ba, chỉ sau Real Madrid và Barca. Họ cùng nhau vào tận chung kết Cup C2 và chỉ để thua Lazio. Roa càng chơi càng hay. Mùa ấy, dù hàng thủ không hề mạnh, bình quân phải đến 108 phút anh mới để lọt lưới. Tại Liga, Mallorca để lọt lưới ít hơn nhà vô địch Barca 12 bàn và chỉ bằng... phân nửa của á quân Real Madrid. Giải Zamora dành cho thủ môn hay nhất mùa tất nhiên được trao cho Roa. Anh cũng được chọn là thủ môn hay nhất châu Âu cho Hiệp hội báo chí thể thao châu Âu (ESM) trao tặng, vinh dự mà hai năm trước đó từng thuộc về Angelo Peruzzi và Oliver Kahn.
Thành tích tuyệt vời của mùa 1998-1999 giúp Mallorca lấy vé dự vòng sơ loại Champions League. Khi chỉ còn cách đúng một trận play-off nữa là Mallorca lần đầu tiên được góp mặt ở đấu trường danh giá này, Roa quăng một quả bom: anh giã từ bóng đá, khi mới 30 tuổi.
Roa treo găng tất nhiên chẳng phải vì tuổi tác, anh cũng không hề bị chấn thương nặng. Anh từ giã sự nghiệp vì đã thật sự nghĩ rằng trái đất sẽ diệt vong khi thế kỷ 20 kết thúc. Thế là để đối mặt với cái ngày mà chúng ta vẫn từng gọi là "hiểm họa Y2K", Roa bay ra một hòn đảo ở Cordoba, Argentina để chờ tận thế. Trước khi đi, anh chẳng buồn để lại một lời từ biệt.
Anh đơn giản là... biến mất. CLB lẫn người đại diện đều không cách gì liên lạc được. Sau này, Roa nhớ lại: "Thế giới lúc ấy có chiến tranh, nghèo đói, dịch hạch, lũ lụt... Những ai không có sự kết nối tâm linh với Chúa, không được sống cuộc đời mà mình mong muốn sẽ rất khổ sở. Tôi đã thật sự chuẩn bị cho ngày tàn của thế giới, ở một nơi mà tôi tin mà mình đã có những gì mình cần".
Rốt cục, thế giới đã không sụp đổ như Roa nghĩ. Anh rồi cũng xỏ găng trở lại sau đó ít lâu. Nhưng khoảng thời gian nghỉ, với Roa, không hề hoài phí. Vì ở đó anh đã tìm thấy chính mình nơi niềm tin tôn giáo. Vì lẽ này, Roa không bao giờ ra sân vào thứ Bảy, vì nhà thờ của anh dạy đấy là ngày phải nghỉ ngơi. Quyết định lạ thường của Roa đã loại anh ra khỏi nhiều trận đấu và cuối cùng đánh mất vị trí về tay thủ thành đồng hương Leo Franco.
Roa hết hợp đồng vào năm 2002 và quyết làm lại sự nghiệp tại CLB ở giải hạng Nhì Albacete. Một lần nữa Roa lại giúp một CLB Tây Ban Nha thăng hạng. Nhưng cuộc sống của Roa chưa hết những bất ngờ. Năm 2004, anh bị phát hiện ung thư tinh hoàn. "Đấy là trải nghiệm tồi tệ nhất đời", Roa nói, bởi anh là một VĐV có lối sống vô cùng lành mạnh. Lần này thì Roa về nhà và không bao giờ trở lại châu Âu nữa.
Trong hai năm ngắn ngủi, Roa là thủ thành hàng đầu thế giới. Để rồi trong hai năm sau đó, tia sét lạ lùng của định mệnh giáng vào anh những hai lần. Cuộc đời và sự nghiệp của Carlos Roa quả rất lạ lùng. Dù được sinh ra ở một nơi mà thịt bò và rượu vang đỏ cũng phổ biến trong bữa ăn như nước lọc, Roa lại là một người ăn chay trường, không một giọt rượu, không một điếu thuốc. Người ta gọi Roa với biệt danh Lechuga, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là rau diếp. Anh tìm đến Thánh kinh bảy ngày mỗi tuần. Anh sống sót qua bệnh sốt rét và ung thư tinh hoàn, anh từ chối đề nghị chuyển sang Man Utd khi đang ở đỉnh cao phong độ và loại đội tuyển Anh khi ấy rất mạnh ra khỏi World Cup.
Anh là gã lữ hành kỳ dị của bóng đá thế giới, đến nhanh và đi nhanh, nhưng để lại những ấn tượng khó phai.
Hoài Thương dịch