Bạn từng nghe đến cái câu châm ngôn này chưa: Ngồi chờ xe buýt thật lâu, rồi hai chiếc đến cùng một lúc? Câu nói ấy có thể đúng với nhiều người, nhưng với tôi thì không.
Tôi đã chờ chiếc xe buýt thứ hai suốt 14 năm. Rốt cục nó cũng tới, và tôi đã lên ngay mà không do dự. Điên rồ và tuyệt vời, tôi đã lên chiếc xe buýt ấy với tấm huy chương Champions League trên cổ, đi qua những con phố Liverpool, cùng chiếc Cup danh giá nhất châu Âu cấp CLB. Những con phố này cũng là nơi tôi lớn lên.
Những từ "phi thường" hay "màu nhiệm" có lẽ là không đủ. Tôi mê đọc sách lắm, nhưng tôi chưa từng gặp một từ ngữ nào có thể lột tả gần nhất thứ cảm xúc mãnh liệt khi tôi bước lên chuyến xe buýt ấy.
Đó không phải là lần đầu tiên chiếc Cup Champions League đi ngang qua khu phố tôi sống. Năm 2005, tôi đã chờ khoảnh khắc chiếc xe buýt đi ngang qua ở bậc thềm trước nhà, cảm thấy thời gian dài như vô tận. Và rồi tóc gáy dựng cả lên khi nghe ai đó la lớn: "Họ tới rồi!". Lòng tôi trào dâng một niềm xúc động khi thấy Steven Gerrard cùng đồng đội xuất hiện với chiếc Cup Champions League – chiếc Cup đã định danh cho CLB.
Lúc đó, tôi chỉ mới sáu tuổi, nhưng trí óc tôi đã đủ "già dặn" để biết mình muốn làm gì khi lớn lên. Tôi muốn được thi đấu trong màu áo của Liverpool và đứng trên chuyến xe buýt diễu hành đó. Suy nghĩ ấy chẳng có gì là lạ, vì mọi đứa trẻ ở trường tôi đều muốn điều đó.
Mọi đứa trẻ trong thành phố cũng đều muốn điều đó!
Với tôi, mong muốn ấy giống như một căn bệnh – nhưng là một căn bệnh lành tính. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào, nhưng có thứ gì đó luôn sục sôi trong huyết quản. Đó chính là niềm khát vọng.
Tôi đã luôn nghiêm túc về ước mơ này và chưa lúc nào đánh rơi động lực. Tôi lớn lên cùng cha mẹ và hai người anh em, Tyler và Marcel, trong một căn nhà với ba phòng ngủ ngay cạnh Melwood - trung tâm huấn luyện của đội bóng. Khi ấy, tính tình ba anh em tôi khác nhau ghê lắm, nhưng đều có chung một mục tiêu phấn đấu: Liverpool FC.
Chúng tôi thường trèo lên thùng rác hoặc nhìn lén qua hàng rào để xem những người hùng luyện tập, trước khi quay trở về mảnh sân nhỏ và cố bắt chước họ.
Thành thực, bóng đá là thứ duy nhất chúng tôi say mê. Điều đó nghe có vẻ không được hay cho lắm, nhưng sự thực là vậy. Chúng tôi suy nghĩ về nó suốt ngày, suốt tuần. Mẹ tôi đã đặt ra luật rằng chúng tôi chơi bóng lúc nào cũng được, miễn là phải trong tầm mắt bà. Thế nên nơi thích hợp nhất để đá bóng chính là khu vườn nơi công viên đối diện ngôi nhà. Đôi lúc mẹ chẳng thấy mấy thằng con trai đâu, bởi chúng tôi bận nghịch bóng ở sau nhà mất rồi, lúc thì là bóng cuộn từ giấy thiếc, lúc thì từ những đôi tất chân quấn lại.
Chúng tôi thường làm cho bà giận đến phát điên. Hãy tưởng tượng như thế này: mẹ đang làm bữa tối, và ba thằng nhóc mặc đồ Liverpool chạy lòng vòng xung quanh, tranh bóng ngay trong nhà bếp.
Lúc nào cũng chỉ bóng đá, bóng đá, bóng đá.
Liverpool, Liverpool, Liverpool.
Khi còn nhỏ, tôi nhớ đã có lần mình được nhìn thấy sân Anfield qua cửa sổ ô tô. Tôi ngẩng nhìn công trình ấy với câu hỏi quanh quẩn trong đầu "Bên trong trông như thế nào nhỉ?". Bạn biết đấy, nó thật huyền bí.
Tháng 4/2005, mẹ mua cho tôi và anh trai Tyler hai tấm vé xem trận tứ kết lượt đi Champions League. Đó là trận Liverpool tiếp Juventus, một đội hình đáng gờm với những Buffon, Cannavaro, Nedved, Ibra.
Châu Âu về đêm tại Anfield thật khác. Được đứng trong biển người trên khán đài chính là một trải nghiệm khó tả. Tôi như muốn nuốt chửng mọi khoảnh khắc, từ những ánh đèn rực chiếu xuống sân tới sức sống vang dội từ những CĐV nhiệt thành. Nhưng giây phút hằn sâu trong tâm trí tôi nhất chính là lúc khoảng 20 cậu bé nhặt bóng bước tới vòng trong giữa sân, tay phất cao lá cờ đỏ thắm trên nền nhạc đặc trưng của đấu trường Champions League danh giá. Thường thì khi tới đoạn này trên TV, tôi và Tyler sẽ không ngừng bàn luận, nhưng lần này cả hai thằng thật sự chết lặng. Rồi những người hâm mộ cất tiếng hát, "You’ll Never Walk Alone". Bầu không khí đó quả thực đã... cướp đi trái tim tôi. Tôi yêu nó. Và tôi đã biết mình muốn làm gì trong đời.
Đêm đó tôi chẳng tài nào chợp mắt.
Vài tháng sau, Liverpool một lần nữa lên ngôi tại đấu trường châu lục. Tôi theo dõi trận chung kết cùng gia đình. Và dù chỉ mới sáu tuổi, tôi đã biết đêm Istanbul có ý nghĩa ra sao. Vài ngày sau, khi đi dạo trên những góc phố, bạn có thể bắt gặp nét mặt hồ hởi của người dân, và hiểu được chiến thắng của đội nhà đã vực dậy cả một cộng đồng như thế nào. Chúng tôi biết rằng chuyến diễu hành chuẩn bị tới, và dĩ nhiên ba anh em tôi muốn hòa chung vào bầu không khí huyên náo ấy rồi. Buồn cười một chỗ là chúng tôi không phải phá luật của mẹ, vì chuyến xe buýt đi qua ngay đoạn đường trước nhà.
Chúng tôi mặc đồ Liverpool và đứng ngay trước hiên nhà, nhìn ngắm những người hùng hạ Cup xuống một bên xe. Xém chút nữa tôi đã chạm được vào nó.
Bạn sẽ chẳng thể nào trải qua ngày hôm đó mà không ôm mộng cầu thủ. Những người anh em của tôi cũng vậy, và đó là một mảnh ghép quan trọng trong đời tôi mà chẳng mấy ai để ý tới. Chúng tôi đều có chung một ước mơ. Vào lúc đó, tôi đã chen chân vào tuyển trẻ Liverpool. Những cậu bé sáu, bảy tuổi đầy mộng mơ trên sân khi ấy luôn có sự hỗ trợ phía sau lưng, và tôi cũng chẳng phải ngoại lệ.
Những hôm trời mưa thật buồn cười, ba anh em tôi - những đứa luôn đấu đá nhau - bị kẹt trong nhà và bày ra chơi những trò vô bổ. Cho tới một ngày mẹ không thể chịu được nữa, bảo bố dạy chúng tôi đánh cờ. Một ý tưởng không tồi bởi lẽ cờ vua cũng đòi hỏi sự cạnh tranh và tư duy chiến thuật hệt như bóng đá vậy. Cảm giác chiếu tướng anh mình và nhìn anh ấy bó tay chịu chết quả thực rất tuyệt vời, nhất là cái bộ mặt ấm ức ấy.
Điều quan trọng nhất chính là đối với tôi, họ không chỉ là anh em, mà còn là những người bạn chí cốt. Khi tôi lớn lên và chuyển tới học viện Liverpool, Tyler và Marcel đã tình nguyện hy sinh giấc mơ của họ. Tôi nghĩ có lẽ cả bọn đều nhận ra rằng người có đủ khả năng đi trên con đường bóng đá chuyên nghiệp nhất chỉ có tôi mà thôi. Cha mẹ cũng đồng tình với điều đó. Với một chàng trai trẻ, mọi chuyện quả thực quá khó để hiểu. Có những ngày cuối tuần mẹ không thể đưa anh em tôi đi thi đấu vì tôi phải ở lại học viện – và luôn là những người anh người em nhận phần thiệt thòi về họ. Những điều tôi có được bây giờ đều là nhờ hai người anh em.
Mỗi khi tôi tiến bước, đó là bước tiến của cả ba.
Mỗi khi tôi thành công, đó là thành công chung.
Mỗi kinh nghiệm mà tôi trau dồi, đều là thành quả của chung.
Mọi chuyện diễn ra như vậy đấy.
Khi tôi 16, một trong những điều tuyệt vời nhất đã đến. Steven Gerrard trực tiếp hỗ trợ chỉ đạo nhóm chúng tôi trong các buổi tập luyện. Chẳng cần phải nói cũng biết Stevie có ý nghĩa như thế nào với những cầu thủ trẻ – đặc biệt là những sản phẩm cây nhà lá vườn như tôi. Có vô vàn những lần ba anh em bắt chước chú ấy khi chơi đùa ở công viên, một người sẽ là Neil Mellor, một người là Gerrard, và người kia sẽ là gã bình luận viên máu lửa.
"Một cú đánh đầu đầy tinh tế ... Cơ hội cho Gerrrrrrrrraaaarrrddd!".
Dang hai tay, chạy tới góc sân và trượt gối. Mấy trò như vậy.
Được tập cùng Gerrard như một giấc mơ trở thành hiện thực. Tôi không nói chuyện với chú nhiều bởi thành thực mà nói, được chú giám sát cũng đủ khiến chúng tôi phải toát mồ hôi rồi. Nhưng chú ấy rất thích ở lại sau buổi tập và thực hiện những pha tạt bóng. Tôi thích lối chơi đó nên luôn nán lại để được tận mắt chứng kiến kỹ thuật của thần tượng... và cố ghi nhớ tất cả mọi thứ.
Một điều khác mà tôi để ý chính là điệu bộ của Gerrard. Tôi nghĩ mình cũng giống với những chàng trai khác trong học viện chỉ vì tôi tới từ Liverpool – nhưng có một sự khác biệt nho nhỏ. Qua cách mà Stevie nói về cổ động viên, về Anfield hoặc về CLB – bạn có thể thấy chú ấy quan tâm tới những điều đó theo một cách rất khác. Chú coi tất cả như là gia đình, luôn luôn gắn bó keo sơn. Điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ.
Vài năm sau, tôi được đôn lên đội một nhưng chưa có quá nhiều kinh nghiệm trận mạc. Tôi được mọi người chú ý khi ở trên phố, nhưng không thường xuyên. Và rồi một buổi chiều nọ, khi đang rảo bước gần trung tâm thành phố, tôi bắt gặp một cậu nhóc tầm 10 tuổi mặc áo đấu Liverpool. Thằng bé đứng khá xa nên tôi cũng chẳng nghĩ gì nhiều. Cho tới khi cu cậu quay lại, và tôi đã thấy: con số 66 cùng cái tên ALEXANDER-ARNOLD chạy dài trên lưng. Cậu nhóc ấy đang mặc áo đấu của tôi.
Phải rồi, lúc này tôi đã chơi tại Anfield được 12 năm ròng, tôi đã gặp Gerrard, tôi đã làm được những điều mình hằng mong ước. Nhưng được chứng kiến thằng bé mặc áo đấu của mình... Tôi không biết nên giải thích thế nào về ý nghĩa của cảnh tượng đó. Tôi biết sẽ có nhiều người nhận vơ rằng họ chính là cậu nhóc đó. Nhưng không, cậu nhóc đó chính là tôi.
Tôi vẫn chỉ là một chú nhóc. Khi trở về nhà, tôi kể cho cha mẹ những chuyện xảy ra trên phố. Được sống ở nhà thật sướng! Chẳng cần phải gọi điện báo tin cho cha mẹ, chỉ cần kể cho họ nghe trước khi đi ngủ là đủ rồi!
Ngay cả bây giờ, được thấy một cậu nhóc mặc áo số 66 cũng rất có ý nghĩa với tôi. Những người sở hữu áo đấu của tôi, của đội bóng - tôi luôn nợ họ một điều gì đó. Vì tôi là một phần của họ, vì chúng ta là một gia đình.
HLV của chúng tôi cũng vậy đấy. Rất nhiều người nghĩ rằng họ hiểu Jurgen Klopp, nhưng thật ra họ chẳng biết mấy. Nhịp độ cao trào trong lối chơi của đội bóng chính là thành quả của công tác huấn luyện mà sếp và đội ngũ đã dày công áp dụng. Klopp đã làm việc ở đây cũng khá lâu rồi, và ngoài ông ra, chẳng còn ai thật sự phù hợp cả. Tôi nghĩ, điều khiến sếp trở nên khác biệt với phần còn lại chính là việc ông luôn dặn chúng tôi phải đặt người hâm mộ lên hàng đầu. Điều đó nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng thật ra không phải vậy. Lối chơi, danh tiếng, đó là những thứ mà Anfield muốn thấy – đó là những thứ tôi luôn dõi theo khi còn là một đứa trẻ. Đó là cách sự đoàn kết được hình thành.
Bởi thế khi thất bại 0-3 trước Barcelona tại Nou Camp, bạn sẽ không quá bận tâm. (Đùa thôi, lúc đấy chúng tôi cũng căng thẳng lắm). Nhưng điều tôi muốn nói chính là, chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào buổi tối hôm đó, vì Anfield là một pháo đài sừng sững được dựng nên từ sự đoàn kết giữa Liverpool và người hâm mộ. Giây phút Gini Wijnaldum lập cú đúp, tôi biết chắc thắng lợi sẽ thuộc về tay đội nhà. Bạn có thể cảm nhận điều đó, chỉ không biết nó sẽ xảy ra vào lúc nào thôi.
Người ta cứ hỏi tôi suốt về quả phạt góc dọn cỗ cho Divock Origi. Tôi đoán họ muốn nghe một câu chuyện điên rồ, nhưng sự thật thì quả phạt góc đó là thành quả của tinh thần thép, chứ không phải của những buổi luyện tập miệt mài. Chúng tôi luôn mang tinh thần đó đến với mỗi buổi tập, chẳng thể làm khác được. Bí quyết thực sự để có được bàn thắng đó chính là việc người nhận bóng là Divock, vì có lẽ cậu ta là người điềm tĩnh nhất làng túc cầu. Cậu ta chỉ lạnh lùng thôi, chẳng hề nao núng.
Khi tiếng còi mãn cuộc cất lên, chúng tôi bước tới khán đài "The Kop", đó là khoảnh khắc tuyệt diệu nhất mà tôi có trong sự nghiệp. Các CĐV ngân vang những câu hát "You’ll Never Walk Alone," tôi nhớ lúc đó mình đã nghĩ: "Quả thực mình đang đứng ở đây, trải nghiệm bầu không khí này". Bài hát ấy gợi nhớ cho tôi thật nhiều, về những tháng ngày của một cậu nhóc sáu tuổi.
Sau trận đấu đó, tôi nhanh chóng trở về nhà, chúc cha mẹ ngủ ngon và đi thẳng vào phòng, lòng lâng lâng khó tả. Mãi tới tận 4h sáng, tôi mới chợp mắt được.
Trận thắng Barca thật tuyệt vời, nhưng chặng đường vẫn chưa kết thúc. Thất bại cay đắng tại trận chung kết ở Kiev một năm về trước đã dạy cho chúng tôi rất nhiều bài học. Real Madrid trận đó biết họ đang làm gì, và họ thành công nhờ thực lực, chứ chẳng phải dựa vào may mắn. Đặc biệt là sau khi họ ghi bàn thứ ba - chúng tôi chẳng thể nào giành lại bóng. Thật bất lực, vô vọng và đau đớn. Nhưng tôi nghĩ trong cái rủi cũng có cái may. Trong suốt mùa giải vừa qua, chúng tôi đã đương đầu với vô vàn đội bóng và giành chiến thắng, như cái cách mà Real đã làm. Liverpool đã trưởng thành hơn rất nhiều sau cú sẩy chân tại Kiev.
Chúng tôi cảm thấy tự tin trước trận chung kết với Tottenham vào tháng 6. Và đặc biệt, tôi biết mình sẽ mong đợi thứ gì sau đó. Mặc dù vậy, điều mà không ai chuẩn bị trước đó là sáu tiếng đồng hồ trong khách sạn trước thềm trận đấu quan trọng nhất đời. Giết thời gian quả thực là một nhiệm vụ bất khả thi, tôi nghĩ mình đã lướt Netflix một cách vô thức trong suốt sáu tiếng liền.
Điều đầu tiên hiện ra khi tôi nghĩ về ngày hôm ấy là một mớ hỗn độn của áp lực tinh thần, những âm thanh vang dội và bóng đá. Cho tới khi Divock ghi bàn thắng thứ hai, tôi mới trở về thực tại. Tôi nhớ mình chạy về góc sân, trông thấy những gương mặt của người hâm mộ. Điều đó thật ý nghĩa.
Rome. London. Paris. Lại là Rome. Istanbul. Và giờ là Madrid. Những nơi mà cả đời bọn tôi không thể nào quên được.
Khi gia đình tôi ùa xuống sân để chia vui, cả nhà chẳng nói được mấy lời, bởi ngôn từ nào trên cõi đời này có thể diễn tả hết cảm xúc của chúng tôi khi ấy? Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, những giọt lệ lăn dài trên gò má. Khi cùng gia đình nâng chiếc Cup Châu Âu, tôi biết mình đã nghĩ gì. "Chúng ta chiến thắng rồi. Từ mảnh sân công viên bên đường, đến Cup vô địch Châu Âu – chúng ta đã làm được".
Vài giờ sau, tôi đứng trên chiếc xe buýt mui trần, diễu hành qua những góc phố Liverpool. Tôi ghét phải nói ra điều này, nhưng đội bóng không diễu hành theo đúng lộ trình năm 2005, họ không hề ghé qua con đường nhà tôi. Tin nổi không cơ chứ? Tôi phải đi nói chuyện với ai đó mới được... Nhưng sau cùng thì khung cảnh này cũng không khác thuở xưa là mấy. Khi tới gần khu tôi sống, những gì hiện lên trong tâm trí tôi là hình ảnh tôi cùng những người anh em đang đứng reo hò. Khi nhìn xuống, tôi thấy cả trăm, cả ngàn những cô, cậu nhóc Trent Alexander-Arnold.
Có hai điều tôi muốn nhắn gửi tới những đứa trẻ ấy nếu chúng đang đọc những dòng này. Thứ nhất, hãy nỗ lực theo đuổi mơ ước của mình, hãy cống hiến tất cả và trái ngọt sẽ đến. Đừng bận tâm đến những lời nói của thiên hạ. Thứ hai, đừng bao giờ quên mình là ai, từ đâu tới, và ai đã giúp mình hoàn thành tâm nguyện. Bởi nếu không có sự hy sinh cao cả của họ, thành công đã không đến.
Hoài Thương dịch