Cúp TPHCM năm nay xuất hiện một đội bóng mới vào phút chót – đó là Học viện Aspire của Qatar. Cái tên của học viên không quá xa lạ với người Việt Nam. Mối quan hệ của hai bên bắt đầu từ chương trình “Giấc mơ sân cỏ” tuyển chọn tài năng của Việt Nam để giành học bổng đào tạo tại Học viện. Cầu thủ Thái Sung của Việt Nam đã chiến thắng ở chương trình này và hiện đang theo học ba năm tại đây.
![]() |
Các cầu thủ trẻ của Học viện Aspire. |
Sự xuất hiện của đội Học viện Aspire thổi một luồng gió tươi mới đối với giải bóng đá vốn được coi là test thử cho U23 Việt Nam mà đội chủ nhà lại chưa gây được ấn tượng. Trình làng một dàn cầu thủ mới 17 tuổi, còn rất non tuổi đời nhưng thi đấu chững chạc và bài bản đến bất ngờ, Học viện Aspire đã khơi lên trong lòng người hâm mộ Việt Nam giấc mơ về “công nghệ đào tạo ngoại quốc”. Nếu những tài năng bóng đá Việt Nam được đào tạo ở những môi trường bài bản như thế, nếu họ chơi chuyên nghiệp như thế và nếu kỹ thuật cá nhân của mỗi cầu thủ sắc bén như thế…, chắc chắn các đội tuyển quốc gia và U23 sẽ trở lại với những cao trào trên các sân đấu quốc tế.
Chuyện đang xảy ra trên sân bóng nhưng lại khiến nhiều người nghĩ đến câu chuyện tiếp cận thế giới vốn đang khá nổi cộm ở làng điền kinh Việt Nam thời gian gần đây.
Nhân đà chiến thắng tại Asiad 16, điền kinh Việt Nam bước vào năm 2011 với một mục tiêu có tính đột phá: quyết tâm giành suất đi Olympic bằng cửa chính. Cơ sở đặt ra mục tiêu này là các VĐV Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng chứng tỏ được sự tự tin và sức bật rất tốt tại đường đua châu Á. Tiền đã được dốc vào, đề án do chuyên gia Đức – người đang giúp đỡ điền kinh Việt Nam trong chương trình hợp tác giữa hai chính phủ - vạch ra và xắn tay thực hiện. Những sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia Đức khác đã được viện đến theo một công thức rất chuyên nghiệp: chuyên gia thể lực, chuyên gia chiến thuật và HLV chuyên môn kèm một VĐV. Nhưng dự án này chỉ hoàn thành được một nửa mục tiêu và người ta chứng kiến sự hụt hơi của “gà nòi” trong quá trình vượt ngưỡng.
Sau khi thành công trong việc giành HCV châu Á, Trương Thanh Hằng đã bị sốc bởi với quyết tâm chuẩn bị cao nhất, hoàn thiện một chương trình tập huấn khắc nghiệt nhất, nhưng cô lại hoàn toàn thất bại trước đường đua thế giới gồm toàn những đối thủ quá mạnh. Trương Thanh Hằng là VĐV “lỳ” nhất trước sự thay đổi môi trường tập luyện nhưng giờ ít nhiều bị mất niềm tin. Trước đó, nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương đã bị dính chấn thương khi liên tục tham gia các giải đấu hàng tuần tại Đức ngay khi đợt tập huấn mới bắt đầu được vài tuần.
Thời gian quá ngắn, sự thiếu hiểu biết môi trường bên ngoài của các thày trò điền kinh Việt Nam đã khiến việc sang nước ngoài tập huấn học hỏi để tiến bộ trở thành thất bại. Các VĐV thấy khó khăn trong việc tiếp cận được môi trường chuyên nghiệp. Trải nghiệm trên sân chơi thế giới càng làm ảnh hưởng tâm lý của VĐV. Mới đây, Vũ Thị Hương được rút khỏi nhiệm vụ chinh phục chuẩn Olympic. Người duy nhất còn đảm nhận nhiệm vụ này là Trương Thanh Hằng đã quay về tập với HLV nội Hồ Thị Từ Tâm. Yêu cầu của HLV Từ Tâm là trở về địa điểm tập luyện quen thuộc Côn Minh và không có sự tham gia của chuyên gia Đức.
Câu chuyện của làng điền kinh là một ví dụ điển hình cho thấy sự khác biệt giữa môi trường thể thao chuyên nghiệp thế giới và Việt Nam – vốn được định hình bởi một bên là sự phát triển từ phong trào đến đỉnh cao khá toàn diện và một bên là đầu tư chuyên sâu mà thiếu đi một mặt bằng chung có trình độ cao nâng đỡ.
Nó cũng thể hiện khoảng cách giữa công tác đào tạo VĐV trẻ trong nước với quốc tế, mà nếu không định hình xem mình đang ở đâu và tìm cách xóa bỏ, thể thao Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội hội nhập sâu hơn với thế giới bởi sự chậm chạp trong khâu đào tạo trẻ.
M.H