* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Chồng chết, Virginie (Suliane Brahim) một mình nuôi hai con: cô bé Laura (Marie Narbonne), 15 tuổi, và cậu nhóc Gaston (Raphael Romand), bảy tuổi. Trước khi mất chồng, gia đình cô từng nuôi dê, nay sống bằng việc nuôi châu chấu để nghiền bột bán kiếm tiền. Công việc khó khăn khi bầy côn trùng không sinh sản đủ số lượng cần có, khiến Virginie rơi vào cảnh túng thiếu. Một lần, cô tình cờ phát hiện loài châu chấu sinh trưởng tốt hơn khi hút máu tươi. Ở bước đường cùng, Virginie quyết định dùng máu mình để nuôi chúng, từ đó dẫn đến những mối đe dọa không thể kiểm soát.
Phim dài 101 phút, nhịp điệu chậm rãi, pha trộn giữa thể loại kinh dị tự nhiên (natural horror) và kinh dị tâm lý (psychological horror), gợi nhớ The Birds (1963) - tác phẩm kinh điển của Alfred Hitchcock. Kịch bản do Jérôme Genevray và Franck Victor chấp bút, cốt truyện đơn giản, ít thoại, nặng về tâm lý. Nửa đầu xoay quanh cuộc sống của gia đình Virginie, nửa sau tăng dần kịch tính. Mỗi ngày, Virginie lặp lại những việc làm cơ bản ở nông trại, đưa con đi học, trao đổi với hàng xóm. Nổi bật nhất là những đoạn cô loay hoay với bầy châu chấu trong nhà kính, không ai giúp đỡ.
Diễn biến tâm lý của Virginie lôi kéo khán giả. Sống ở vùng quê nước Pháp nhưng cuộc đời cô chưa từng yên bình. Cái chết của chồng và tình thế mẹ đơn thân khiến cơn trầm cảm tăng cao. Hai đứa con xa cách, không cảm thông với mẹ, nhất là Laura càng trở nên đỏng đảnh, khó bảo ở tuổi mới lớn. Mối quan hệ với hàng xóm cũng không thuận lợi. Theo thời gian, Virginie càng tách biệt thế giới con người, chỉ có bầy châu chấu vừa là nguồn sống vừa là tia hy vọng cuối cùng. Thậm chí, cô chẳng còn tha thiết tình dục với đàn ông.
Nữ diễn viên Suliane Brahim gây ấn tượng khi hóa thân Virginie. Cô có gương mặt và ngoại hình gần giống Charlotte Gainsbourg, nét diễn thiên về nội tâm cũng gợi nhớ ngôi sao trong Nymphomaniac (2013). Gương mặt cô toát lên vẻ sầu muộn, đau đớn của một góa phụ cô độc. Diễn xuất của Suliane Brahim là đối trọng xứng đáng với nỗi sợ từ bầy châu chấu, tạo điểm nhấn cho phim.
Châu chấu là biểu tượng đặc trưng của phim, từ loài côn trùng phá hoại mùa màng trở thành động vật khát máu không kém ma cà rồng. Chúng được mô tả chi tiết bằng những góc máy có tiêu cự gần (close-up), tạo cảm giác sợ hãi. Từng bộ phận nhỏ đều được phóng đại như cặp mắt đen, càng đầy gai, cánh xếp lớp, vỏ sần sùi... Nhiều phân đoạn không phù hợp với khán giả mắc hội chứng sợ côn trùng, như cảnh châu chấu tha mồi về nhai ngấu nghiến, bám trên tường như xác ve sầu hay bay thành đàn như ong vò vẽ. Đôi lúc chúng ăn thịt đồng loại chẳng khác kẻ thù.
Trên tạp chí điện ảnh Cineuropa, Just Philippot cho biết tác phẩm không đơn thuần gây sợ mà còn thể hiện quan điểm về xã hội. Tên gốc tiếng Pháp La Nuée dịch ra nghĩa là "đám mây". Trong phim, cái đói như mây đen che phủ cuộc đời Virginie, hệt bầy châu chấu khát máu. Bi kịch của nhân vật phản ánh cuộc sống khắc nghiệt của nông dân miền quê nước Pháp. Giữa xã hội tàn khốc, cô không được giúp đỡ mà còn cảm thấy bị cô lập, tâm trạng rối bời như kẻ điên. Càng về cuối, Virginie càng bị dồn vào chân tường, cô thà làm mồi cho côn trùng còn hơn chết đói vì vô sản.
The Swarm là phim đầu tay của Just Philippot, sinh năm 1982, từng làm một số phim ngắn như Ses souffles (2015), Acid (2018). Anh đề cao phong cách làm phim chân thật, tự nhiên, hạn chế sử dụng hiệu ứng CGI. Phim né tránh lối mòn của thể loại kinh dị, không sử dụng chiêu hù dọa hay máu me thường thấy trong tác phẩm Hollywood. Nỗi sợ bắt nguồn từ những âm thanh đơn giản như tiếng côn trùng rầm rì hay rít lên. Thỉnh thoảng, đạo diễn chèn vào một vài bản nhạc ambient để tạo không gian vắng vẻ, heo hút.
Điểm trừ là nhịp phim chậm rãi, gây mất kiên nhẫn. Độ kinh dị chưa cao với khán giả quen dòng phim này. Kết phim còn dang dở, mâu thuẫn giải quyết chưa triệt để, khiến mạch cảm xúc bị tụt.
Trước khi được Netflix mua bản quyền, phim dự kiến công chiếu tại Tuần lễ Phê bình Quốc tế của Liên hoan phim Cannes 2020, nhưng sự kiện bị hủy vì Covid-19. Giới phê bình đánh giá phim khá tốt, đạt 7.4/10 điểm trên Rotten Tomatoes với bảy bình luận tích cực. Tờ Cinemanía chấm phim 4/5 sao, đánh giá phim "xử lý khéo léo", "có nhịp điệu tốt", "mang tính ngụ ngôn". Tác giả Lisa Nesselson của Screendaily khen ngợi diễn xuất, tham vọng của đạo diễn và ý tưởng sử dụng châu chấu. Trái lại, khán giả không mặn mà với phim, chấm 5.4/10 điểm trên IMDB. Một số ý kiến cho rằng phim có ý tưởng hay và thú vị, nhưng cách triển khai còn kém.
Sơn Phước