Trong khi Your Name (Kimi No Nawa?) đang là bộ phim hot nhất năm 2016 của Nhật Bản, một tuyệt phẩm khác cũng đến từ xứ sở hoa anh đào tưởng như bị lu mờ nhưng không thể bị bỏ qua là The Red Turtle. Phim, do xưởng hoạt hình danh tiếng Ghibli hợp tác sản xuất với Wild Bunch và một số trường quay châu Âu, từng dự tranh hạng mục Un Certain Regard (Góc nhìn độc đáo) của Liên hoan Cannes 2016. Chỉ thu vỏn vẹn 2,8 triệu USD ở phòng vé nhưng The Red Turtle lại ứng viên tiềm năng ở giải Oscar.
Câu chuyện mở đầu với khung cảnh một cơn bão trên biển. Trong khi thiên nhiên gào thét, một người đàn ông bị đắm tàu vùng vẫy để thoát khỏi sóng dữ. Anh ta lạc vào một hoang đảo được bao phủ bởi rừng trúc. Người đàn ông trẻ nhiều lần sử dụng cây cối và thức ăn trên đảo để đóng bè ra khơi tìm đường về nhà. Tuy nhiên, lần nào bè của anh cũng bị sóng đánh vỡ. Những lúc ấy, một chú rùa đỏ lại xuất hiện. Ngày nọ, một cô gái được sinh ra từ chiếc mai rùa rồi mọi chuyện thay đổi…
The Red Turtle là một phim hoạt hình không thoại, chỉ có tiếng cười, tiếng gào thét giữa khung cảnh thiên nhiên bao la, rộng lớn của đại dương. Nửa đầu của bộ phim dễ khiến người xem liên tưởng tới câu chuyện về Robinson Crusoe trên đảo hoang hay tác phẩm Cast Away có tài tử Tom Hanks đóng chính. Sự cô đơn, tuyệt vọng của người đàn ông bỗng dưng bị tách khỏi đồng loại được thể hiện bằng nỗi trống trải, yên tĩnh đến mức đáng sợ trên hòn đảo. Ở mỗi cảnh bóng tối buông xuống, đạo diễn Michaël Dudok de Wit lại dùng tông màu đen trắng để minh họa cho thế giới mà nhân vật của mình đang sống trong đó.
Tác phẩm gói gọn trong thời lượng 80 phút nhưng đong đầy thông điệp về con người, thiên nhiên, sự sống và thời gian. Cả bộ phim là một ẩn dụ về đời người, từ lúc sinh ra, bước qua những con sóng dữ, trưởng thành sau những vấp ngã rồi chết đi. Vòng luân hồi của thời gian sẽ chẳng bao giờ dừng lại. Sự sống và cái chết sẽ luôn song hành giữa đất trời. Hình ảnh hòn đảo giữa biển khơi cũng giống như một sinh linh bé nhỏ trong vũ trụ bao la. Chỉ có tình yêu, một khi đã được sinh ra, luôn bất diệt.
Triết lý về việc con người có thể chung sống với thiên nhiên được cài cắm trong một câu chuyện đơn giản nhưng cảm động và đầy tính thi vị. Sống trong cuộc đời này, nỗi cô đơn còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều. Đây là phim dài đầu tiên của đạo diễn người Hà Lan và do chính nhà làm phim nổi tiếng của Ghibli Studio – Isao Takahata (nổi tiếng với Mộ Đom Đóm, Công chúa trong ống tre) – góp phần sản xuất. Năm 2001, nhà làm phim Michaël Dudok de Wit từng đoạt Oscar ở hạng mục dành cho phim hoạt hình ngắn với tác phẩm Father and Daughter (xem phim ngắn).
Trung thành với phong cách phim tối giản như ở Father and Daughter, từng khung hình 2D của The Red Turtle lại đầy chất thơ. Là một tác phẩm đến từ một nhà làm phim châu Âu nhưng The Red Turtle vẫn có những yếu tố mang đậm nét Á Đông. Những nét vẽ giản đơn nhưng sắc sảo làm tăng vẻ đẹp của những hình ảnh biểu tượng như chiếc bè làm từ ống trúc, chiếc bình thủy tinh trong vắt hay khu rừng trúc xào xạc trong gió. Trong mỗi khuôn hình, con người luôn nhỏ bé, mong manh còn thiên nhiên lại rộng lớn, mênh mông. Nhịp phim vừa phải, thi thoảng pha lẫn chút hài hước, lãng mạn và có cả kịch tính nhưng không khí chung là nhẹ nhàng.
Cách sử dụng âm nhạc trong The Red Turtle cũng tạo hiệu quả như ở phim ngắn Father and Daughter. Những giai điệu sâu lắng của nhà soạn nhạc Laurent Perez del Mar luôn bổ trợ với phần hình ảnh, cùng những âm thanh của sóng biển, rừng cây, để tạo nên cảm xúc và những dư vị ngọt – đắng cho người xem khi phim kết thúc.
91% các ý kiến trên chuyên trang điện ảnh RottenTomatoes đánh giá phim tích cực, trong khi các nhà phê bình của Metascore chấm phim số điểm 90/100. Tại mùa Oscar 2017, bộ phim đang cạnh tranh với hai ứng viên lớn – Zootopia và Kubo & the Two Strings – và giới chuyên môn kỳ vọng phim tạo nên bất ngờ. Dù không thành công về mặt thương mại, The Red Turtle vẫn là một dấu ấn không thể bị lãng quên của điện ảnh thế giới nói chung và phim hoạt hình nói riêng trong năm 2016.
* Trailer phim "The Red Turtle"
Nguyên Minh