Nhắc đến Klopp, người hâm mộ nghĩ ngay tới gegenpressing, một thứ bóng đá rực lửa mà Borussia Dortmund từng trình diễn. Nhưng, không mấy ai thực sự hiểu rõ nó là gì?
Nếu chỉ định nghĩa bằng những hoạt động pressing (gây áp lực) ngay ở một phần ba sân đối phương, phong tỏa và tạo sức ép ngay lên hàng thủ đội bạn thì không đủ chi tiết. Rất nhiều HLV cũng theo đuổi lối chơi ấy. Đối với Klopp, gegenpressing là một triết lý, chứ không chỉ là kế hoạch thi đấu đơn thuần.
Chẳng có nhận xét nào hay ho hơn đánh giá của chính Zeljjko Buvac, cánh tay phải của Klopp một thời ở Mainz, Dortmund, Liverpool và hiện nay là HLV của Dynamo Moscow. "Không một ngôi sao kiến tạo nào ‘giỏi’ hơn gegenpressing", Buvac nói. Và ông đúng.
Gegenpressing là thứ rất Đức khi nó khoa học, logic và tiết kiệm mọi nguồn lực. Hãy nghĩ thế này, từ khoảng cách chừng 60 mét so với khung thành đối phương, một đội bóng sẽ mất khoảng bao lâu, bao nhiêu đường chuyền, cần bao nhiêu nhân sự cho một đợt tấn công hoặc phản công? Khó có con số chi tiết để làm tiêu chuẩn, nhưng rõ ràng, so với khoảng cách 20-30 mét tính tới khung thành đối thủ, rõ ràng nó sẽ tốn thời gian và công sức hơn nhiều. Gegenpressing chủ trương hành động ở khoảng không gian nhỏ ấy bởi Klopp đề cao sự ưu việt của việc chỉ cần một đường chuyền là đủ dẫn tới khung thành đối phương.
Nhưng thực sự, nó có đơn thuần chỉ là "pressing phản công" như lối chiết tự từ tiếng Đức (gegen: phản công + pressing)? Nghĩ như vậy cũng đúng, nhưng chưa đủ. Nó còn là pressing để chống lại việc phản công của đối thủ nữa. Hãy hình dung, khi Sadio Mane mất bóng ở vòng cấm đối thủ chẳng hạn. Kẻ địch lập tức nảy sinh ý định phát động phản công từ phần sân nhà. Đây là lúc gegenpressing vào việc. Nôm na, nó là dùng áp lực để chống phản công và từ đó lại tạo ra một đợt tấn công mới.
Có nhiều người so sánh gegenpressing với lối pressing trên phần sân đối phương mà Pep Guardiola đã xây dựng cho Barca, Bayern Munich và Man City sau này. Đó là một so sánh thiệt thòi cho Klopp, dù lối đá cực đoan ngay ở một phần ba sân đối phương của cả hai đều chung một nguồn gốc. Klopp đã tạo cho gegenpressing cá tính riêng, một cá tính Đức như nói ở trên. Và ông biến nó thành triết lý, chứ không phải là một công thức như Pep đã và đang làm.
Pep không bao giờ để cả ba cầu thủ tấn công tham gia pressing cùng lúc. Ông chỉ dùng hai người và yêu cầu người còn lại lui về cùng hàng tiền vệ tạo thành khối ở phía sau. Pep không đủ dũng cảm để mạo hiểm. Còn Klopp thì khác. Ông chấp nhận liều lĩnh nhưng không phải chơi kiểu "All or Nothing" (Được ăn cả, ngã về không) y như cái tên của chuỗi phim tài liệu về Man City và Pep trên Amazon Prime. Klopp dùng cả ba cầu thủ tấn công tham gia pressing bởi ông đã tính toán cặn kẽ đủ để đội bóng không phải đối diện nguy cơ tổn thương. Và chính tính toán ấy tạo nên lửa trong lối chơi của Klopp: nó logic nhưng vẫn linh hoạt, chặt chẽ nhưng trông có vẻ "hỗn loạn", liều lĩnh nhưng thật ra lại khoa học... Vì thế, nó cuốn hút với tốc độ, nhịp độ rất cao và với tính cống hiến cũng rất lớn.
Gegenpressing vĩnh viễn không thể bị so sánh với những gì mà các đồng nghiệp khác đang làm. Klopp đã vượt qua họ để biến nó thành đặc sản, một tài sản riêng của ông. Ông như thủ lĩnh một tông phái mà chắc chắn sau này sẽ có những tín đồ đi theo, thậm chí có thể phát triển nó hơn nữa để tạo dựng một trường phái riêng mang tên Jurgen Klopp.
Khi đến Anfield, Klopp đã muốn thi triển ngay gegenpressing. Nó quá phù hợp với môi trường Ngoại hạng Anh tốc độ. Nhưng có lẽ, Klopp hiểu rằng gegenpressing sơ khởi đã bộc lộ khá nhiều nhược điểm sau bảy năm ông làm việc ở Dortmund. Ông cảm nhận rằng mình phải thay đổi, hay nói đúng hơn là "cập nhật phần mềm". Và khi Liverpool hoàn thiện phần cứng, với sự tham gia của Mo Salah từ mùa 2017-2018, gegenpressing ở Anfield cũng được Klopp cải thiện cho khác hẳn những gì ông từng làm ở Mainz hay ở Dortmund.
Phải thừa nhận, có được bộ ba Mane - Firmino - Salah là Liverpool và Klopp đã có được vũ khí hủy diệt. Mane và Salah tốc độ, kỹ năng qua người tốt, khả năng dứt điểm chuẩn xác cao và cả những đường chuyền sát thủ. Trong khi đó, Firmino sở hữu một bộ óc chiến thuật rất tốt và chính anh là người tạo dựng được linh hồn của gegenpressing phiên bản The Kop. Firmino khác hẳn những tiền đạo cắm mà Klopp từng làm việc cùng trước đó vì cơ bản, anh xuất thân từ một số 10 chuyên chơi sau lưng trung phong.
Nếu gegenpressing phiên bản Dortmund chỉ đơn thuần chú trọng vào ngăn chặn đối thủ tổ chức lối chơi từ phần sân nhà và phản công chớp nhoáng cận thành khi đoạt được bóng thì phiên bản gengenpressing Liverpool còn đặt ra một mục tiêu đáng gờm hơn. Đó chính là "đặt bẫy đối thủ". Nhờ đó, Liverpool trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều khi xác suất lấy lại bóng cao hơn hẳn. Và việc đặt bẫy ấy được tổ chức như thế nào?
Ví dụ như hình trên. Khi trung vệ, hoặc thủ môn của đối thủ cầm bóng, người áp sát tạo áp lực sẽ là Firmino (số 9). Trong khi đó, Mane (số 10) và Salah (số 11) sẽ phong tỏa hành lang chuyền bóng từ trung vệ tới hai hậu vệ biên. Lúc đó, trung vệ của đối phương sẽ chỉ còn đúng hai phương án: hoặc đưa bóng về cho thủ môn (hay trung vệ đối tác), hoặc đưa bóng cho tiền vệ trung tâm (số 25). Nếu đưa bóng về cho thủ môn hoặc trung vệ đối tác, nguy cơ hỗn loạn sẽ rất cao và Liverpool nhiều cơ hội phản công chớp nhoáng đúng kiểu gegenpressing sơ khởi của Klopp. Còn nếu đưa bóng cho tiền vệ trung tâm, họ đã rơi vào bẫy.
Klopp mong đợi đối phương đưa bóng vào đây. Khi đó, tiền vệ trung tâm của Liverpool sẽ là người trực tiếp áp sát tạo áp lực nhưng đồng thời Firmino sẽ là người chặn bắt từ phía sau. Còn Mane và Salah, vị trí lựa chọn của họ khi đó cũng phong tỏa luôn hành lang đưa bóng ra phía hậu vệ biên. Khả năng đoạt lại bóng lúc này là cực lớn. Và khi phản công được tổ chức ở khu vực này (thường là từ 25-35 mét cách mặt thành), phương án chuyền bóng của Liverpool là rất nhiều.
Thứ nhất, Mane và Salah sẽ cắt vào hành lang trong (half-space) và hậu vệ biên trái sẽ dâng lên lấp vào hành lang trái mà Mane bỏ lại còn, Keita sẽ dạt ra hành lang phải vốn dĩ của Salah. Thứ hai, Firmino đang ở vị trí trung tâm thuộc vùng đệm giữa tuyến phòng ngự và tuyến tiền vệ đối thủ. Điều đó khiến trung vệ đối thủ đứng trước hai lựa chọn: lao lên theo kèm Firmino hay giữ vững vị trí. Nếu lao lên kèm Firmino, anh ta mắc bẫy vị trí và để cả vùng sau lưng mình trở thành khoảng trống mà Mane hoặc Salah có thể khai thác. Còn nếu giữ vững vị trí, Firmino lúc này có thể có không gian để trở thành mắt xích phối hợp với tiền vệ và kiến tạo ở đúng chỗ nhiều hướng chuyền bóng nhất.
Lối đặt bẫy này của Klopp đã bắt đầu được chú ý rất nhiều bởi các chiến lược gia và có những người trong số họ đã gọi tên nó là thứ "pressing người phong tỏa người", đúng theo kiểu một phiên bản lai giữa pressing với lối một kèm một cổ điển. Thứ cơ bản khác với lối một kèm một cổ điển trong cách Klopp thay đổi gegenpressing chính là các cầu thủ của ông không kèm người đúng nghĩa mà phong tỏa họ với mục đích không tạo ra bất kỳ hành lang giải tỏa bóng nào cho đối phương.
Đó chính là sự tiến bộ vượt bậc của Klopp so với chính ông thời ở Dortmund và nó lý giải vì sao Liverpool đi đến hai danh hiệu liên tiếp trong hai mùa và đặc biệt là chức vô địch Champions League, thứ mà Klopp không thể mang lại cho Dortmund để có thể sánh cùng bảng vàng với Ottmar Hitzfeld. Sự tiến bộ này chắc chắn cũng sẽ xảy ra nếu như ngày ấy Klopp ở lại với Dortmund bởi nó là quá trình tự hoàn thiện mình, tự học hỏi qua những thất bại và kinh qua chiến trận của một chiến lược gia. Nhưng nó đã xảy ra ở Liverpool, và đó mới là điều tạo nên một lịch sử mới cho CLB vùng Merseyside khi chính họ cũng phải đổi thay kể từ ngày 8/10/2015.
Liverpool có một điểm mạnh rất đáng chú ý so với các CLB lớn khác ở Ngoại hạng Anh. Đó chính là sự kiên nhẫn với HLV của họ. Những gì họ trải qua với Rafa Benitez, Brendan Rodgers đều rất đáng nhớ và cho thấy họ dành cho HLV một sự tin tưởng lớn. Nhưng với Klopp, Liverpool đã làm được hơn thế. Không chỉ kiên nhẫn, họ thay đổi để trở thành một CLB biết lắng nghe.
Năm 2015, Klopp có ý định nghỉ ngơi một thời gian, và ông đã xin phép Dortmund cho ông kết thúc sớm hợp đồng. Nhưng rồi Rodgers bị sa thải. Các CĐV Liverpool lúc đó chạy dòng hashtag #KloppfortheKop để đòi hỏi CLB phải tuyển dụng HLV của Dortmund. Lúc ấy, thực tế tình trạng của Klopp không phải "rực rỡ" lắm. Mùa 2014-2015 của Dortmund không được như kỳ vọng và có nhiều người thậm chí còn đánh giá tiêu cực là "phải chăng Klopp đã đi đến điểm tới hạn về năng lực?". Nhưng Liverpool vẫn không quản ngại. Họ trải thảm đỏ cho ông, bất chấp trong lịch sử Ngoại hạng Anh từng chứng kiến một HLV Đức thất bại nặng nề là Felix Magath với Fulham.
Klopp thích Liverpool, yêu văn hoá của thành phố ấy, lịch sử của đội bóng ấy và tin rằng ông sẽ làm được điều gì đó kỳ diệu với nó. Ông đã từ chối lời mời làm HLV trưởng đội tuyển Mexico để đến Anh với câu nói nổi tiếng "tôi là người bình thường".
Nhưng người bình thường ấy có yêu cầu - một yêu cầu Liverpool chưa từng nhận ở một HLV tiền nhiệm nào. Klopp muốn đưa những trợ thủ đắc lực theo cùng và ông phải được quyết định toàn bộ trong việc xây dựng hệ thống săn đầu người của Liverpool. The Kop có lẽ đã ở trong tình thế tuyệt vọng vì đợi chờ quá lâu cho chức vô địch Premier League. Họ chấp thuận.
Klopp có hai người đồng sự mà ông cực kỳ tin cậy, thường cùng ông động não trước các kế hoạch lớn nhỏ. Thứ nhất là Peter Krawietz và thứ hai là Zeljjko Buvac. Ngoài ra, ông cũng rất quý trọng Pepijn Lijnders, một HLV người Hà Lan. Ông đưa Krawietz và Buvac đi theo mình từ hồi còn ở Mainz, qua Dortmund và bây giờ là Liverpool. Những ngày mới nhận huấn luyện Mainz, Buvac mới là người đứng tên HLV trưởng trên bản danh sách đăng ký thi đấu, bởi lúc ấy Klopp mới chỉ có bằng A của DFB (Liên đoàn Bóng đá Đức) mà thôi. Mãi tới tận năm 2005 ông mới có bằng chuyên nghiệp của UEFA và có thể nói, suốt bốn năm đầu tại Mainz, Buvac như avatar của ông vậy.
Khi Buvac rời khỏi Liverpool để phát triển sự nghiệp riêng ở Dynamo Moscow năm 2018, Klopp mời Lijnders, khi ấy là HLV trưởng NEC ở giải VĐQG Hà Lan về thế chỗ. Lijnders tất nhiên nhận lời và ông đã thay thế xứng đáng Buvac để trở thành một tri kỷ trong ban huấn luyện của Klopp. Tất cả các lựa chọn ấy, Chủ tịch Tom Werner đều tôn trọng Klopp tuyệt đối. Nên nhớ, năm 2018, Klopp chưa mang lại thành tích nào đáng kể cho Liverpool. Nhưng Tom Werner vẫn không mảy may nghi ngại các lựa chọn nhân sự mà Klopp đưa ra.
Song, sự việc đáng nể nhất chính là chuyện Klopp quyết tâm đưa Salah về Anfield. Lúc ấy, Salah vẫn bị nhiều chuyên gia phân tích ở Premier League đánh giá là một thất bại khi anh không thể chứng minh được mình đủ sức đá chính tại Chelsea. Việc Salah tỏa sáng ở Serie A không đủ để người ta tin cậy anh sẽ phù hợp với Ngoại hạng Anh khi mỗi giải đấu có một môi trường khác biệt nhau rất lớn. Nhưng thứ Klopp thấy ở Salah là thứ người khác không thấy. Cơ bản, triết lý của ông khác họ và chỉ khi được đặt vào đúng hệ thống phù hợp, Salah mới thể hiện giá trị. Vụ mua Salah vốn dĩ đi kèm với việc bán Philippe Coutinho, một nguồn cảm hứng của Anfield suốt thời gian dài và có vẻ như đang là đối tác tốt của Firmino. Nhưng ban lãnh đạo Liverpool đã quyết định nuôi dưỡng niềm tin vào Klopp.
Nhưng sở dĩ, giới điều hành Liverpool tin vào Klopp cũng bởi hai yếu tố lớn. Thứ nhất là lối chơi của Liverpool định hình rất rõ, tạo ra một thương hiệu rất rõ. Nếu Arsene Wenger góp phần xây dựng thương hiệu Arsenal nhờ vào thay đổi triết lý bóng đá và đưa ra các dự án phát triển như xây sân Emirates, thì Klopp lại tạo dựng thương hiệu kiểu khác. Đó chính là thứ bóng đá đang được người Anh gọi là "mentality monsters", nói nôm na là "chất quỷ". Klopp tập trung vào thứ Liverpool cần là chất lượng bóng đá chứ không dàn trải như một "tổng quản" kiểu Wenger hay Alex Ferguson. Và thứ hai, nguyên nhân này lớn hơn, chính là tình cảm mà Klopp dành cho Liverpool. Trong giai đoạn 2012-2015, Man Utd đã nhiều lần tiếp cận Klopp để mời về làm HLV nhưng ông đều từ chối. Vậy mà khi ông quyết định nghỉ ngơi một thời gian thì lại chấp thuận Liverpool, trong lúc họ thay tướng giữa dòng. Liverpool trân trọng tình cảm này. Nó chính là tinh thần, là trái tim của mối hợp tác giữa họ.
Chính Chủ tịch Michael Gordon của FSG, tập đoàn mẹ của Liverpool, đã kiên định nói về Klopp vào thời điểm kết thúc mùa giải 2017 bằng một niềm tin vững chắc. Khi ấy, Liverpool "sống sót" trong việc kiếm vé Champions League và với nhiều người, đó không phải là thành tích. Nhưng Gordon khẳng định: "Nên nhớ, trước khi Klopp đến, CLB này đã mất đi ánh sáng của nó rồi. Nhưng với Jurgen, thứ ánh sáng ấy bắt đầu bừng lên. Vé Champions League là dấu hiệu đấy, dấu hiệu chúng tôi trở lại". Và Gordon nói không sai, Liverpool trở lại thật sự, như một thế lực thống trị đúng nghĩa.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ở năm 2017, hay 2018, tức là sau ba năm gắn bó mà Klopp không mang lại danh hiệu nào? Liverpool nóng ruột và xử lý theo cách vô vàn các CLB lớn khác? Không cần câu trả lời, bởi nếu có thì nhiều người cũng dễ dàng bảo "nhận xét khi có kết quả rồi thì ai chẳng nhận xét được". Song, cả một quá trình tin tưởng lẫn nhau, vẫn tiếp tục đầu tư theo các yêu cầu của Klopp có thể cất lên tiếng nói minh chứng của nó. Đó là một thay đổi tích cực mà Liverpool đã có, ít ra là so sánh với quãng thời gian kể từ sau khi Benitez ra đi, quãng thời gian mà sự sốt ruột đã khiến Roy Hogson, Kenny Dalglish, Rodgers phải sớm kết thúc hợp đồng.
Câu chuyện 5 năm của The Kop và Klopp cho thấy rất rõ, cơ chế niềm tin giữa con người với con người luôn là hai chiều. Chỉ có thể cùng tin tưởng nhau, họ mới gắn bó với nhau chặt chẽ đến thế. Chỉ có thể tin tưởng nhau, họ mới có thể cùng đi đến đỉnh của vinh quang sau khi đã dám dấn thân vượt qua mọi thử thách gian nan nhất. Và chỉ cần nhìn vào cái cách mà giới chủ CLB ứng xử với Klopp sau tai nạn ở Aston Villa vừa qua, chúng ta cũng đủ hiểu. Không có dấu hiệu áp lực nào được bày tỏ. Đơn giản, nếu Klopp từng khiến họ được nở những nụ cười mãn nguyện thì họ cũng cần phải cảm thông khi chính ông cũng phải đối diện một cay đắng không ngờ.
Giữa họ, gegenpressing là thứ để thi triển trên sân chứ không phải để mang ra "dùng" với nhau mỗi khi có chuyện.
Hà Quang Minh