Thể Công từng thuê sân Hàng Đẫy làm sân nhà từ năm 2019, cùng Hà Nội FC. Tới mùa 2023 có thêm Công an Hà Nội. Tuy nhiên, Liên đoàn bóng đá châu Á AFC sau đó cảnh báo, vì mỗi sân chỉ được dùng tối đa cho hai đội thi đấu ở giải vô địch quốc gia.
Ba đội bóng thủ đô sau đó đã nhiều lần đàm phán nhưng không tìm được tiếng nói chung. Vì vậy, tháng 7/2024 Ủy ban nhân dân Hà Nội phải ra quyết định, buộc Thể Công chuyển nơi khác thi đấu từ mùa 2024-2025. Đội bóng quân đội sau đó thuê sân Mỹ Đình. Đó là lựa chọn duy nhất ở Hà Nội, dù chi phí đắt đỏ (khoảng 12 tỷ đồng mỗi mùa).

Mặt sân Mỹ Đình ở khu vực chính giữa trước khán đài A vào ngày 30/3/2025. Ảnh: Hoàng Huynh
Với tư cách người đi thuê, Thể Công chỉ có thể yêu cầu đơn vị quản lý sân, là Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia (LHTTQG), đảm bảo chất lượng mặt cỏ tốt nhất vào ngày thi đấu. Họ không thể ngăn Ban quản lý sân cho các đơn vị khác thuê, thậm chí phải nhường sân khi có sự kiện lớn hơn diễn ra cùng ngày. Ví dụ như sắp tới, ở vòng 20 V-League gặp SLNA (26/4) và vòng 21 gặp Đà Nẵng (2/5), Thể Công dự kiến phải tìm sân khác thi đấu do trùng sự kiện âm nhạc.
Sân Mỹ Đình được xây dựng nhằm phục vụ các sự kiện văn hóa, giải trí và thể thao. Trong khi đó, Khu LHTTQG Mỹ Đình là đơn vị tự chủ tài chính nên được quyền cho nhiều đơn vị thuê có hợp đồng.
Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện như chương trình ca nhạc khiến mặt sân Mỹ Đình bị hư hại. Sau trận Thể Công thắng HAGL 2-0 ở tứ kết Cup Quốc gia hôm 30/3, HLV Lê Quang Trãi và HLV Nguyễn Đức Thắng đều đánh giá mặt sân tệ, khiến hai đội phải thay đổi cách chơi bóng ngắn sang bóng dài. HLV Quang Trãi còn cho rằng chính mặt sân xấu khiến hai học trò là Phạm Lý Đức và Võ Đình Lâm chấn thương.
Hôm qua, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đánh giá mặt cỏ thưa, úa nhiều, đặc biệt ở khu vực đường biên dọc phía trước khán đài A và trước khu kỹ thuật hai CLB. Ban tổ chức V-League đề nghị Thể Công phối hợp với Ban quản lý sân tạm dừng tất cả các hoạt động trên mặt cỏ, tăng cường tối đa các biện pháp chăm sóc và bảo dưỡng.

Trung vệ HAGL Phạm Lý Đức (phải) chấn thương trong trận thua Thể Công 0-2 ở tứ kết Cup Quốc gia 2024-2025, tại sân Mỹ Đình vào ngày 30/3/2025. Ảnh: Hoàng Huynh
Tuy nhiên, đến chiều 1/4, một phần sân Mỹ Đình vẫn được cho thuê để tổ chức giải bóng đá phong trào. Điều này dẫn đến phản ứng từ một bộ phận dư luận, nhưng Thể Công không thể can thiệp. Họ cũng thông cảm bởi nếu hủy, Ban quản lý sân sẽ vi phạm hợp đồng.
"Chúng tôi nắm được tình hình chiều nay, nhưng sự kiện chỉ diễn ra trong khoảng một phần tư sân thi đấu. Hàng ngày, đội vẫn cử người đến kiểm tra", một lãnh đạo CLB Thể Công nói với VnExpress chiều 1/4. "Chúng tôi cũng có đội riêng chăm sóc mặt sân ở Trung tâm đào tạo trẻ Viettel. Đội đánh giá mặt sân cơ bản đảm bảo thi đấu và chỉ có khu vực dọc đường biên khán đài A cỏ thưa, úa".
Vị này cũng cho biết Khu LHTTQG khẳng định vẫn sẽ đảm bảo chất lượng mặt sân khi VPF đến kiểm tra vào ngày 3/4, hai ngày trước khi Thể Công tiếp Quảng Nam ở vòng 17 V-League.
Ban tổ chức V-League vốn quyết liệt về vấn đề mặt sân ở mùa này. Sân Quy Nhơn, Bình Định và Hà Tĩnh từng nhận cảnh báo tương tự sân Mỹ Đình. CLB Hà Tĩnh từng phải thuê sân Vinh (Nghệ An) làm sân nhà để tiếp Thanh Hóa tại vòng 15 V-League vào ngày 28/2.
Với trường hợp sân Mỹ Đình, Cục Thể dục Thể thao Việt Nam đã phê duyệt 8 tỷ đồng để sửa chữa trong năm nay. Thời gian dự kiến từ tháng 6 đến tháng 10. Các chi tiết được sửa chính là mặt sân, mặt cỏ và hệ thống phun nước.
Tập đoàn chủ quản của Thể Công được cho sẵn sàng chi tiền xây sân vận động riêng, ngay sau khi được cấp quỹ đất phù hợp. Tuy nhiên, cho đến khi dự án thành hiện thực, CLB vẫn phải đi thuê để thi đấu các giải chuyên nghiệp.
Hiếu Lương