Trong 5 năm trở lại đây, loạt phim Chạng vạng, chuyển thể từ thiên tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Stephenie Meyer, tạo nên một hiện tượng toàn cầu. Cả phim và sách đều tạo nên cơn sốt đối với khán giả trẻ bất kể bị giới phê bình chê bai về chất lượng. Câu chuyện tình yêu giữa thiếu nữ ngây thơ Bella và ma cà rồng điển trai Edward làm xao xuyến hàng triệu cô gái trẻ trên khắp thế giới. Sau khi loạt phim Chạng vạng thu về con số khổng lồ 3,3 tỷ USD và kết thúc tập cuối, Hừng đông (phần hai) vào cuối năm ngoái, các nhà làm phim tiếp tục đưa tác phẩm nữa của Stephenie lên màn ảnh rộng – The Host.
Trailer phim "The Host" |
|
Phim lấy bối cảnh thế giới trong tương lai và nói về cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh. Những kẻ lạ mặt ngoài vũ trụ không tấn công con người bằng vũ khí hay đạn dược mà xâm nhập vào cơ thể và chiếm lấy thể xác của người Trái Đất. Loại ký sinh trùng này có tên Soul (Linh Hồn). Chúng biến gần như toàn bộ con người thành Vật chủ (Host) và điều khiển trí não của họ. Nhân vật chính là Melanie, cô gái trẻ trong một lần chạy trốn cùng cậu em trai Jamie, đã rơi vào tay Soul. Thân xác của cô được trao cho linh hồn có tên Wanderer.
Wanderer tỏ ra thích thú với cơ thể của Melanie nhưng không ngờ rằng, ý chí mạnh mẽ của cô gái trẻ đã lấn át hoàn toàn trong việc điều khiển cơ thể, suy nghĩ. Melanie và Wanderer tồn tại song song. Tâm trí của Melanie luôn nghĩ về em trai Jamie và người yêu Jared. Cuối cùng, Wanderer đã phải lên đường tìm kiếm những người sống sót còn lại, bất chấp sự truy đuổi của một Linh hồn hung dữ là Seeker.
Những ai đã xem Chạng vạng dễ dàng nhận thấy The Host có nhiều điểm tương đồng, đặc trưng phong cách kể chuyện của nữ nhà văn Stephenie Meyer – yếu tố giả tưởng, huyền bí chỉ làm nền cho một câu chuyện tình yêu “nhiều tay” lãng mạn. Những cảnh động, kịch tính hay rùng rợn trong phim không quá kịch tính để nhường chỗ cho những khoảnh khắc ngọt ngào của các nhân vật chính. Nếu như Twilight từng đem tới một cái nhìn khác về ma cà rồng – không hề đáng sợ như trong truyền thuyết, thì The Host cũng vậy, khán giả sẽ có những cảm nhận mới mẻ về người ngoài hành tinh khi xem xong.
Yếu tố thú vị nhất của The Host chính là việc “đấu tranh” giữa Melanie và Wanderer trong cùng một cơ thể. Cả hai cãi nhau, đe dọa nhau và có lúc lại trở nên thân thiết. Những câu thoại giữa hai nhân vật này tạo nên khá nhiều tiếng cười cho khán giả. Về mặt diễn xuất, Saoirse Ronan hơn hẳn Kristen Stewart. Ít nhất cách biểu đạt cảm xúc gương mặt của cô không bị “đơ” như nàng Bella trong loạt phim Chạng vạng. Tuy nhiên, khi ghép cặp với hai nam diễn viên Jake Abel và Max Irons thì bộ ba này lại khá gượng, chưa được hài hòa và dễ tạo hiệu ứng như Robert Pattinson, Kristen Stewart và Taylor Lautner.
Cũng như Chạng vạng, ngoài yếu tố tình cảm lãng mạn, The Host cũng hút khán giả teen bằng bối cảnh đẹp được quay trên những sa mạc rộng lớn ở New Mexico. Những món đồ chơi công nghệ của người ngoài hành tinh, đặc biệt là chiếc máy chữa bệnh thần kỳ cũng tạo được sự chú ý. Hình ảnh đôi mắt xanh lạnh lùng của người ngoài tinh khi thâm nhập vào cơ thể người Trái Đất cũng là một trong những điểm nhấn về mặt kỹ xảo.
Tiết tấu, nhịp điệu của The Host rất chậm chạp với cao trào ít, thoại nhiều và các nhân vật trò chuyện cũng chậm, lâu nên dễ khiến khán giả thông thường, đặc biệt là từ 26 tuổi trở lên dễ buồn ngủ, chán nản – cảm giác như khi xem loạt phim Twilight ngày trước. Câu chuyện của The Host cũng thiên về tình cảm hơn là giả tưởng với nhiều khoảnh khắc “sến”, gây sốt ruột.
Tuy nhiên, với những khán giả tuổi teen, đặc biệt là những ai trót mê Twilight nói riêng và phong cách viết chuyện của nữ nhà văn Stephenie Meyer nói chung thì sẽ thấy thích thú với bộ phim này, thậm chí có thể là “khóc tới ba lần” – như lời một nữ khán giả tuổi teen ở Hà Nội thổ lộ khi xem trong buổi chiếu ra mắt. Xét cho cùng, The Host vẫn là một tác phẩm có chất lượng tốt hơn người “anh em” Chạng vạng – từ diễn viên cho tới bối cảnh, câu chuyện.
The Host (Vật chủ) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 19/4.
>> Hình ảnh trong phim "The Host"
Nguyên Minh