"Tôi muốn có con", anh nói. "Nhưng tôi sợ khi chúng vào đại học, tôi đã 60 tuổi và không đủ sức khỏe làm việc".
Hàn Quốc đang phát triển thành mô hình late career society - xã hội phát triển sự nghiệp muộn với đặc trưng là thế hệ trẻ có xu hướng kết hôn và sinh con muộn hơn các thế hệ trước.
Người Hàn bắt đầu có sự nghiệp ổn định vào đầu tuổi 30, kết hôn và có con đầu lòng ở tuổi ngoài 40, theo thống kê mới công bố. Các cột mốc đi làm, kết hôn và sinh con thường được kỳ vọng trong độ tuổi 20, nay đã chuyển sang giai đoạn 30-40 tuổi.
Xu hướng này dẫn đến trường hợp nhiều người ở độ tuổi 60, đáng lẽ đã nghỉ hưu nhưng phải tái gia nhập thị trường lao động để trang trải việc học của con.
Giáo sư kinh tế Ha Joon-kyung, Đại học Hanyang ở Seoul cho biết Hàn Quốc cần cải cách các hệ thống xã hội để giúp mọi người dễ dàng gia nhập thị trường lao động, kết hôn và sinh con, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Số người trên 65 tuổi ở Hàn Quốc đã vượt qua 10 triệu, dẫn đến yêu cầu cải cách hệ thống lương hưu và kéo dài tuổi nghỉ hưu để đối phó với tình trạng dân số già ngày càng tăng. Giữa năm ngoái, Bộ Nội vụ Hàn Quốc báo cáo nhóm nhân khẩu này chiếm 19,51% dân số, khiến quốc gia này chính thức trở thành xã hội siêu già.
Hồi tháng 1, Lee đã tìm được việc làm ở một công ty khởi nghiệp sau 5 năm thất nghiệp. Anh cảm thấy hối hận bởi chưa từng mời được bố bữa ăn trước sinh nhật thứ 60 của ông. Lee sống nhờ tiền hưu của bố cho đến năm 30 tuổi.
Hiện tượng phát triển sự nghiệp muộn ngày càng rõ rệt khi thị trường lao động thắt chặt và ít cơ hội cho các vị trí cấp thấp tại các công ty lớn.
Khảo sát của dịch vụ tuyển dụng cho thấy độ tuổi tối thiểu của nhân sự mới là 33,5 với nam và 31,6 với nữ, cao hơn so với năm ngoái là 31,8 tuổi và 30 tuổi. Điều này cho thấy ngày càng nhiều công ty chấp nhận tuyển nhân viên mới ở độ tuổi đầu 30.
Tỷ lệ tham gia lao động của người trên 60 tuổi hiện đã vượt qua độ tuổi 20. Cụ thể, vào năm ngoái, tỷ lệ lao động của người từ 20-24 tuổi chỉ đạt 48,5%, trong khi con số này ở người đầu 60 là 65%.
Xu hướng này đã đảo ngược từ năm 2006, sau khi tỷ lệ lao động của nhóm tuổi trẻ hơn vẫn cao hơn cho đến năm 2005, theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.
Ngọc Ngân (Theo Chosun)