Hai năm trước, ông Đỗ Quang Vinh từ Mỹ về Việt Nam, nhận vị trí Phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ SHB và trọng trách chuyển đổi toàn diện ngân hàng. Gần ba năm từ ngày nhận nhiệm vụ, ông trở thành Phó chủ tịch trẻ nhất nhà băng có tuổi đời 30 năm. Còn ngân hàng đạt đạt được những kết quả nhất định trên chặng đường chuyển đổi toàn diện, trong đó có chuyển đổi số. SHB đã xây dựng được hệ sinh thái số với hơn 80 tính năng, tạo nên hành trình trải nghiệm hoàn toàn trên kênh số dành cho khách hàng cá nhân. Đồng thời, các dự án chuyển đổi số đã giảm hơn 80% thao tác thủ công, tăng tốc độ xử lý các giao dịch.
Công thức chuyển đổi tại SHB, được Phó chủ tịch 8X đúc kết bằng phép tính giữa các yếu tố “chuyển đổi”, “số hóa”, trong đó con người là dấu nối quan trọng. Trả lời VnExpress, Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc (SHB) Đỗ Quang Vinh chia sẻ về “chìa khóa” nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng, bên cạnh những giá trị văn hóa xuyên suốt ba thập kỷ thành lập, phát triển.
- Điều gì tạo ra lợi thế cạnh tranh cho quá trình chuyển đổi số tại SHB, thưa ông?
- Về bản chất, công nghệ là công cụ phục vụ kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh và tăng hiệu suất làm việc. Công nghệ hiện đại là điều kiện cần, song không phải yếu tố quyết định. SHB đã hợp tác với các tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới như BCG, IBM, Ernst&Young để tư vấn chiến lược và triển khai các lộ trình chuyển đổi. Đồng thời, SHB cũng chọn hướng đi riêng để tạo ra sự khác biệt trên thị trường.
Đầu tiên, chúng tôi đang tập trung xây dựng kiến trúc công nghệ bài bản dựa trên nhu cầu khách hàng và cung cấp sản phẩm cá nhân hóa. Sẽ thất bại nếu một ngân hàng chỉ đầu tư hệ thống công nghệ thông tin khổng lồ nhưng không có đầu ra cụ thể, không hiểu nhu cầu của khách hàng.
Song song đó, SHB đang xây dựng nền tảng dữ liệu. Trong cuộc đua công nghệ, ai có được nền tảng cơ sở dữ liệu lớn nhất và đầy đủ nhất sẽ là người chiến thắng.
Để hiểu và phục vụ được khách hàng tốt hơn, chúng tôi đang tạo thêm nhiều điểm chạm để tiếp xúc với họ. Đồng thời, ngân hàng đang đồng bộ các quy trình số hóa ở tất cả các bộ phận để khách hàng có được trải nghiệm toàn diện nhất.
Chuyển đổi số trước tiên phải là chuyển đổi tư duy, đó là yếu tố tiên quyết và cũng là thách thức lớn nhất. Những người đang thành công nhất định và đang làm những công việc sở trường sẽ khó vượt qua vùng an toàn. Họ có thể sẽ khó nhận ra điểm yếu, cần cải thiện cũng như khó chấp nhận cái mới và những sự thay đổi.
- Đến năm 2027, SHB đặt mục tiêu sẽ trở thành ngân hàng số một về hiệu quả, áp dụng công nghệ hiện đại. Đâu là cơ sở để SHB đặt ra tham vọng thách thức như vậy?
- SHB đặt mục tiêu tham vọng trong năm năm tới, ngân hàng sẽ trở thành nhà băng số một về hiệu quả, áp dụng các công nghệ hiện đại. Dài hạn hơn, đến năm 2035, chúng tôi phấn đấu trở thành ngân hàng bán lẻ top đầu trong khu vực.
Những kết quả kinh doanh tích cực hiện tại chính là cơ sở, tiền đề để đặt mục tiêu thách thức đó.
Từ một ngân hàng nông thôn với vốn điều lệ 400 triệu đồng, vốn điều lệ hiện nay ở nhà băng đặt gần 37.000 tỷ đồng, đứng trong Top 4 Ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất hệ thống. Tính đến hết quý III/2023, tổng tài sản SHB đạt 596.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt gần 475.000 tỷ đồng, vốn tự có theo Basel II đạt hơn 67.000 tỷ đồng. Các chỉ số về an toàn, thanh khoản, quản trị rủi ro của SHB đều tuân thủ và tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu không có tiềm lực vững mạnh, ngân hàng sẽ không thể đặt ra mục tiêu cao hay mạnh dạn đưa ra những quyết định đầu tư.
- Ông có nhắc đến yếu tố chuyển đổi con người như ưu tiên số một trong quá trình chuyển đổi số tại SHB. Ngân hàng đưa ra giải pháp gì để tạo ra sự chuyển đổi về nhân sự?
- Chúng tôi trân trọng những tâm huyết, mồ hôi, nước mắt, những thành quả của thế hệ đi trước và có trách nhiệm kế thừa những thành công đó. Chuyển đổi không phải đập đi xây lại mà cần tinh chỉnh từng chi tiết để bộ máy ngày càng tốt hơn.
Để làm được điều này, việc cần làm đầu tiên là thay đổi tư duy. Song song đó, ngân hàng cũng đào tạo để hướng tới sự đồng bộ, giúp thế hệ cũ và mới có thể đồng hành, hỗ trợ nhau trong công việc. Kinh nghiệm phát triển 30 năm và sức trẻ của người SHB hiện tại có thể giúp ngân hàng sớm đạt mục tiêu đề ra.
Do đó, tại SHB, chúng tôi ưu tiên tuyển dụng nhân sự có tố chất, tiềm năng phát triển và phù hợp. Ngân hàng tuyển chọn người giỏi, có chung văn hóa để tạo tính ổn định cho tổ chức. Một tập thể toàn ngôi sao và không có tiếng nói chung sẽ khó có thể thể tồn tại và cùng nhau phát triển. Nhưng nếu tập hợp được những con người giỏi, có tiềm năng và chung văn hoá sẽ tạo nên một tập thể mạnh. Khi tuyển dụng công việc liên quan đến chuyển đổi, số hóa, độ tuổi nhân sự gia nhập SHB đã trẻ hơn rất nhiều, trong đó có những bạn trẻ thế hệ 10x. Tôi rất ngạc nhiên khi những bạn còn rất trẻ nhưng đã đủ kiến thức và kinh nghiệm để có thể đáp ứng ngay các yêu cầu công việc và có thể chứng minh thực lực qua mức thu nhập rất cao.
Đối với các bạn trẻ gia nhập SHB, chúng tôi chú trọng hướng dẫn và yêu cầu các nhân sự tự xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển nghề nghiệp cho riêng mình để các bạn biết ở mỗi giai đoạn, mình cần phát triển bản thân đến đâu để có thể thăng tiến hơn nữa trong sự nghiệp.
Một tiêu chí khác giúp tôi chọn được nhân sự đồng hành cùng mình tại SHB là “không giới hạn”. SHB ưu tiên lựa chọn những người có kinh nghiệm quốc tế và am hiểu thị trường châu Á. Chúng tôi không giới hạn ứng viên chỉ am hiểu kiến thức ở thị trường Việt Nam, vì vậy sẽ hạn chế chính sự sáng tạo và cách làm của họ.
- Ông làm gì để tự đổi mới bản thân mỗi ngày?
- Ở mỗi giai đoạn, mỗi vị trí, chúng ta sẽ có trách nhiệm khác nhau với công việc, cuộc sống và chính bản thân nhiều hơn. Thời gian qua, bản thân tôi đã trải qua nhiều vị trí và các mảng công việc khác nhau. Là người phụ trách chuyển đổi và chuyển đổi số tại SHB, tôi nỗ lực nhưng phải luôn giữ cho mình sự tự tin.
Sự tự tin phải được xây dựng từ bên trong. Khi là người có trách nhiệm lớn nhất, tôi luôn phải xây dựng và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để mỗi năm trôi qua, mình trưởng thành hơn.
Tôi không bao giờ được hài lòng với bản thân. Tôi trân trọng mỗi bài học đến với mình mỗi ngày, hài lòng với những hạnh phúc bình dị trong cuộc sống. Nhưng trong công việc thì khác. Với các bạn trẻ ngày càng giỏi và tài năng như hiện nay, tự hài lòng sẽ khiến bản thân thụt lùi.
Chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện đặt ra thách thức gì trong việc giữ gìn văn hóa doanh nghiệp của SHB?
- Văn hóa nhân văn từ Tâm đã được người SHB xây dựng, tích lũy trong suốt 30 năm qua. Thách thức lớn nhất của tôi cũng như lớp thế hệ kế cận là làm sao để vừa kế thừa văn hóa nhân văn tốt đẹp trong khi nhận trọng trách chuyển đổi, giúp ngân hàng tiến về phía trước.
Sau khi tiếp nhận trọng trách phát triển văn hóa doanh nghiệp, việc đầu tiên tôi thực hiện là kế thừa và đúc kết các giá trị văn hóa một cách rõ ràng, khúc chiết hơn. Tâm – Tin – Tín – Tri – Trí – Tầm là 6 giá trị văn hóa cốt lõi của SHB. Khởi nguồn từ tâm, gây dựng niềm tin, xác lập uy tín, tích lũy tri thức, đạt tầm trí tuệ để không ngừng vươn lên những tầm cao mới.
Đồng thời, để lan tỏa các giá trị tốt đẹp, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động xuyên suốt trong nội bộ, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 30 năm để mọi cán bộ nhân viên có thể cảm nhận được những giá trị văn hóa đang chuyển động mạnh mẽ không ngừng trong chính bản thân mỗi người, để họ tin yêu tổ chức hơn nữa. Bởi muốn làm thương hiệu SHB tốt, chính bản thân người SHB phải thực sự cảm nhận được điều đó.