Sáng 28/4, Đại học Văn hóa tổ chức hội thảo "Thế hệ nhà văn sau năm 1975". Sự kiện có mặt nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, nhà thơ của Việt Nam. Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá sự kiện có quy mô quốc gia, thúc đẩy việc tìm kiếm những nhận thức mới trong xã hội.
Sau 41 năm thống nhất đất nước, văn học Việt Nam có nhiều thay đổi trong đó có đóng góp của những người cầm bút sau 1975. Bộ trưởng Văn hóa cho ràng đây là thế hệ tiếp nối xứng đáng thế hệ cầm bút trong kháng chiến để đổi mới văn học nước nhà.
Đối tượng của hội thảo, như đúng tên gọi, là thế hệ nhà văn cầm bút sau năm 1975. Nhà phê bình Chu Văn Sơn khoanh vùng đối tượng dựa trên căn cứ đầu tiên là độ tuổi. Theo nhà phê bình trừ một số ít ngoại lệ, thế hệ sau 1975 chủ yếu là những người 5X, 6X và thực sự bước lên văn đàn sau 1975. Cũng có người cầm bút trước đó nhưng sau 1975 mới đĩnh đạc cất tiếng. Ở văn xuôi là những gương mặt như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Bình Phương, Thuận, Trần Thùy Mai, Tạ Duy Anh... Còn lĩnh vực thơ là Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái...
Nhà phê bình phân định trước 1975, nghệ thuật đi theo khuynh hướng sử thi mà người ta hay gọi với nhiều cách như văn học phải đạo, văn học cách mạng, văn học đồng phục... Mỹ học thời chiến gồm chuẩn mực cái đẹp là cái phi thường, bao trùm là chủ nghĩa lạc quan vô bờ bến, thi pháp xoay quanh chủ nghĩa hiện thực xã hội. Mỹ học đó định đoạt toàn bộ gương mặt của văn học thời kỳ chống Mỹ. "Chiến tranh là cái bất thường, mỗi thời đại cần có sức mạnh phi thường để chống lại nó, bởi vậy trong thời đó cái phi thường lên ngôi và có tên Chủ nghĩa Anh hùng. Âm hưởng chủ đạo phải là âm hưởng anh hùng ca. Tìm cái bình thường trong cái bất thường và bình thường hóa cái bất thường chính là phi thường", Chu Văn Sơn nói về tư duy thẩm mỹ cơ bản của văn học Việt Nam trước 1975.
Sau 1975, mỹ học thời chiến lùi vào hậu trường nhường chỗ cho mỹ học hậu chiến. Cuộc sống trở về bình thường không còn chiến tranh nhưng chứa đựng những bất thường trong đời sống con người. Văn học hậu chiến tiếp cận cái bất thường đó, xoáy sâu, khám phá con người bản thể. Thay vì ca ngợi hiện thực, văn chương đi vào đối thoại, tra vấn hiện thực, vào những nỗi băn khoăn triết luận về con người. Công cụ đào bới hiện thực cũng cần sắc bén hơn, nên hình thành những cách viết đa dạng, không theo một công thức nào.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được đánh giá là một trong số đại diện xuất sắc của thế hệ tác giả sau 1975 ở mảng thơ. Nguyễn Quang Thiều cho rằng các nhà văn của thế hệ này "là khúc rẽ của nền văn học Việt Nam từ bao nhiêu năm trong chiến tranh, đồng hành với khúc rẽ về kinh tế, văn hóa, chính trị. Ở khúc rẽ đó, con người bắt đầu ngồi xuống và suy ngẫm về cá nhân mình. Văn học chuyển sang hướng khác, sâu hơn, rộng hơn, đi vào thân phận của con người hơn nhưng cũng chạm đến đại lộ lớn và duy nhất của nghệ thuật muôn thuở".
Theo Nguyễn Quang Thiều, sau 1975, người ta được bày tỏ những điều sâu thẳm bên trong họ. Họ có thể tự do bày tỏ mọi điều, phán xét mọi thứ. "Tự do viết, chạm đến mọi đề tài, cả bóng tối, nỗi mất mát, tuyệt vọng, với ngôn ngữ đa diện, đa chiều và có thể phức tạp hơn", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: "Văn học sau 1975 là văn học hậu chiến ở cách nhìn và cách viết là hậu hiện đại". Theo ông, thế hệ này tạo ra sự thay đổi về chất của văn học. Trong đó, Nguyễn Huy Thiệp là đại diện sáng giá nhất đến nay chưa có ai thay thế. Nhà phê bình nhận định Nguyễn Huy Thiệp đã đưa đến cái nhìn về một mảng hiện thực khác và thẩm mỹ mới cho văn học. Bên cạnh Nguyễn Huy Thiệp, hai gương mặt văn xuôi khác của thế hệ sau 1975 theo ông là Bảo Ninh và Phạm Thị Hoài, trong khi ở lĩnh vực thơ là Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh và Nguyễn Quang Thiều.
Nhà phê bình Văn Giá cho rằng đây là lần đầu tiên thế hệ nhà văn sau 1975 được đưa lên bàn mổ xẻ, trước đó chỉ có các cuộc hội thảo bàn về các nhà văn chống Mỹ hoặc nhà văn đổi mới nói chung. "Mục đích là đánh giá diện mạo, đóng góp, khác biệt của thế hệ này với các thế hệ trước đó đồng thời khẳng định vị trí của họ trong vai trò đổi mới và cách tân văn học. Thành tựu lớn nhất của thế hệ này là thay đổi toàn bộ quan niệm, cái nhìn về con người, đời sống, theo đó là cái nhìn hoàn toàn khác trước".
Di Ca