Cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại đã bắt đầu.
Những người thuộc thế hệ sinh ra sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai (baby boomer) trải qua nhiều thập kỷ đã tích lũy được khối tài sản lớn. Tính đến cuối quý 1/2021, người Mỹ từ 70 tuổi trở lên có tổng tài sản ước tính gần 35 nghìn tỷ USD, theo số liệu thống kê của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Con số này tương đương khoảng 27% tổng tài sản của Mỹ và đã tăng 20% so với ba thập kỷ trước. Số liệu từ liên bang cũng cho thấy tài sản của thế hệ này tương đương 157% GDP Mỹ, tỷ lệ đó tăng gấp hơn 2 lần so với 30 năm trước đây.
Giờ đây họ đã bắt đầu chuyển tài sản sang cho những người thừa kế và nhiều đối tượng khác, chính vì vậy nhiều hoạt động kinh tế phát triển mạnh, nổi bật nhất có thể kể đến hoạt động mua sắm nhà cửa, khởi nghiệp và từ thiện. Nhiều người nhận tiền chịu ảnh hưởng bởi những ưu tiên và tác động khác với người cho tiền.
Theo số liệu từ tổ chức và công ty tư vấn Cerulli Associates, các thế hệ đi trước sẽ chuyển giao 70.000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2042. Ước tính khoảng 61.000 tỷ USD sẽ được chuyển cho những người thừa kế, trong đó số lượng người thuộc thế hệ millennial (người sinh ra từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) và thế hệ X (người sinh ra từ năm 1965 đến năm 1979) trong đó có cả tiền chi vào từ thiện.
Cuộc chuyển giao tài sản lần này thêm một lần nữa cho thấy sức mạnh kinh tế của người thuộc thế hệ bùng nổ tỷ lệ sinh. Họ đã đến tuổi trưởng thành trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai và kéo kinh tế tăng trưởng qua nhiều giai đoạn của cuộc đời họ.
Các chuyên gia kinh tế tại Capital One Financial Corp đã phân tính số liệu của Fed và tính toán rằng mức tiền được thừa kế trung bình là 212.854 USD, tăng 45% so với con số 146.844 USD vào năm 1998.
Và người ta không chờ đến lúc chết. Lượng tiền cho tặng được báo cáo lên Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) tăng lên mức 75 tỷ USD trong năm 2016 từ mức 45 tỷ USD vào năm 2010 (đã điều chỉnh lạm phát). Số tiền này chỉ tương đương một phần tiền cho tặng bên ngoài hệ thống thuế. Trong cùng thời gian trên, mức tiền mà người ta có thể cho đi mà không phải đóng thuế quà tặng tăng từ 1 triệu USD lên hơn 5 triệu USD đối với cá nhân và từ 2 triệu USD cho đến hơn 10 triệu USD với các cặp đôi.
Lượng tiền cho tặng được miễn thuế lại tăng trong năm 2018 và đến nay nó ở mức 11,7 triệu USD với cá nhân và 23,4 triệu USD với các cặp đôi. Năm 2026, mức tiền cho tặng nhiều khả năng lại trở về ngưỡng của năm 2017 là 5,49 triệu USD một người (đã điều chỉnh lạm phát).
Thành phố Kingston, bang New York Mỹ gần đây đã ghi nhận những tác động rõ ràng từ làn sóng khoảng 9.000 tỷ USD được rót vào các hoạt động từ thiện. CEO 90 tuổi của tập đoàn Berkshire Hathaway, Warren Buffett, đã quyết định cho đi phần lớn số tiền mà ông kiếm được, ông đã chuyển tiền sang các quỹ được điều hành bởi ba con của mình. Con trai thứ ba của ông, Peter Buffett, là một nhạc công sống ở thành phố trên.
Peter và vợ mình đã lập ra quỹ NoVo Foundation. Thông qua quỹ này, họ mua 13 triệu USD đất nông nghiệp và sử dụng quỹ đất đó để tạo ra một trung tâm nông nghiệp. Họ tài trợ tiền cho hội chợ ở thị trấn nơi mà các nghệ sỹ có thể đến để trao đổi tác phẩm hoặc được chăm sóc sức khỏe miễn phí. Họ mua lại một khu kinh doanh cũ của Honda và tặng nó cho hội thực phẩm cộng đồng. Họ biến kênh phát thanh địa phương có tên Radio Kingston thành một tổ chức phi lợi nhuận và phát thanh miễn phí.
Các khoản thừa kế và tiền cho tặng có thể mang đến tình hình ổn định tài chính cho những người được nhận chúng, còn với nhiều người khác, số tiền có được giúp họ có được sự tự do để chấp nhận thêm rủi ro. Điều này có thể được lý giải bởi số liệu cho thấy nhiều người thích đầu tư vào cổ phiếu và ngày một quan tâm đến các hoạt động có rủi ro cao hơn nhưng cũng có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn ví như khởi nghiệp.
20 năm trước, ông Bart Boyer đã chia cho bốn con của ông cổ phần trong công ty tư vấn tài chính mà ông sáng lập tại Asheville, bang North Carolina. Ngày nay, những cổ phiếu này đã tăng giá gấp 15 lần. Gần đây, ông Boyer và vợ ông Elaine cũng đã lập quỹ cho 5 con, mỗi người con sẽ nhận được số tiền khoảng 25.000USD người một năm trong ít nhất 10 năm.
Trong lịch sử hiện đại, chưa từng có lúc nào quá nhiều tài sản đến như vậy tập trung trong tay của người già. Nhiều thế hệ người Mỹ trước đây trở nên giàu có khi mà kinh tế Mỹ thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai, thuế áp với một số hộ gia đình thu nhập cao giảm, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán cũng tăng điểm. Cùng lúc đó, sự suy giảm của hệ thống hưu trí Mỹ cũng như nhiều thập kỷ lãi suất thấp đã khiến cho nhiều người cảm thấy không yên tâm khi tiêu tiền tiết kiệm bởi lo ngại nguồn tài chính cho lúc nghỉ hưu sẽ hao hụt quá sớm, theo phân tích của trưởng bộ phận tư vấn thuộc quỹ Capital One – ông Matt Fellowes.
Diệu Thanh (Theo WSJ)