Kim Jaram, 32 tuổi, ở Seongnam làm hơn 100 tiếng mỗi tuần, gấp đôi giờ làm của nhân viên văn phòng. Ngoài công việc chính là thiết kế web, cô còn làm thêm tại hai cửa hàng tiện lợi vào ban đêm. Làm việc nhiều như thế nhưng Kim thường xin đồ ăn gần hết hạn từ các cửa hàng tiện lợi đang làm, để đỡ tiền ăn uống.
"Nếu muốn tồn tại bằng lương bạn cần làm việc tại một tập đoàn lớn. Còn không, bạn cần làm hai công việc cùng lúc, từ bỏ mọi sở thích để tiết kiệm cho tương lai", Kim nói.
Lịch làm việc dày đặc đang ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần nhưng cô nói phải cố gắng để thực hiện mong muốn mở cửa hàng tiện lợi của riêng mình.
"Tôi không có ý định làm thuê cả đời. Mục tiêu của tôi là tự chủ tài chính khi 40-50 tuổi nên cần phải nỗ lực hơn người khác", nữ nhân viên nói. Tuy nhiên, lịch trình hiện tại chỉ cho phép Kim ngủ ba tiếng mỗi ngày. Gần đây cô thường mắc lỗi trong công việc chính như quên tham gia cuộc họp trực tuyến khiến cấp trên không hài lòng.
Hàn Quốc là đất nước có tốc độ phát triển nhanh. Nhưng người trẻ ở quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn các thế hệ trước.
Họ được gọi là "thế hệ N-Po", cách gọi xuất phát từ cụm "thế hệ Sampo", trong đó "sam" nghĩa là 3, chỉ người trẻ phải từ bỏ ba điều: hẹn hò, hôn nhân và con cái do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đến nay, thuật này được phát triển thành "thế hệ N-Po", trong đó "N" có nghĩa là vô số.
Bên cạnh đó, "địa ngục Joseon" cũng được đề cập từ 8 năm trước. Thuật ngữ này coi xã Hội Hàn Quốc là phiên bản địa ngục của triều đại Joseon cùng hệ thống giai cấp bất bình đẳng.
Kim Jaram không phải người duy nhất chịu ảnh hưởng của nền kinh tế và tư tưởng bảo thủ. Ngày nay nhiều người trẻ tại đất nước này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh cao ngay khi ngồi trên ghế nhà trường và kéo dài đến khi đi làm.
Các chuyên gia cho biết sức nặng của kỳ vọng đối với người trẻ Hàn Quốc hình thành từ khi còn nhỏ. Nhiều phụ huynh áp đặt ước mơ chưa thành của họ lên con, muốn chúng vào trường đại học tốt nhất, có công việc ổn định.
Năm ngoái, người Hàn Quốc đã chi 26 nghìn tỷ won cho giáo dục tư nhân, nhiều hơn 10,8% so với năm trước, theo Thống kê Hàn Quốc. Hiện mỗi học sinh đang đóng 410.000 won một tháng cho giáo dục tư nhân, tăng 11,8% so với năm 2021, theo Yonhap.
Mục tiêu của họ là phải trúng tuyển một trong các trường hàng đầu của đất nước gồm Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei, gọi tắt là "SKY".
Eun Suk, trợ lý giáo sư tại Đại học Nữ sinh Duksung, nói: "Hàn Quốc không phải quốc gia có cơ hội thứ hai. Thật khắc nghiệt khi đường đời của một người lại do kỳ thi tuyển sinh đại học duy nhất quyết định".
Nguyên nhân là do tư tưởng xuất thân từ một trường học danh giá sẽ tăng cơ hội làm việc trong các tập đoàn lớn, thu nhập cao.
Con đường hẹp dẫn đến thành công đã tác động đến sức khỏe tinh thần của nhiều thanh niên. Yoo Seung-gyu, 30 tuổi, nói bản thân và bạn bè xung quanh từng phải trải qua.
Năm 19 tuổi, Yoo rút lui khỏi thế giới và trốn trong phòng hơn 2 năm. Sau đó anh đăng ký đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc, trước khi tiếp tục sống ẩn dật nhiều năm sau đó.
Yoo nói bản thân luôn áp lực vì không đạt chuẩn mực xã hội. Khoảng thời gian sống ẩn dật chỉ kết thúc khi anh tìm kiếm các thông tin trực tuyến và nhận ra mình không đơn độc. Nhiều người cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.
5 năm trước, Yoo đã tham gia một ngôi nhà chung dành cho người sống ẩn dật. Tại đây anh được dạy cách kiên nhẫn và hiểu "thất bại cũng không sao". Hiện mỗi tháng những người tham gia phải trả 1,55 triệu won cho ăn uống và tham gia các hoạt động cộng đồng.
"Có nhiều nguyên nhân khiến thanh niên chọn sống ẩn dật, từ không có việc làm, đỗ vào trường đại học đến tình yêu tan vỡ. Hầu hết họ đều nản lòng, cảm thấy bản thân tệ hại trong một xã hội đầy cạnh tranh", Yoo nói.
Sau khi thoát khỏi cuộc sống ẩn dật, người đàn ông 30 tuổi đang điều hành doanh nghiệp xã hội có tên Not Scary, nhằm hỗ trợ người muốn trốn tránh xã hội. Yoo tin rằng sống trong cộng đồng là phương pháp hiệu quả nhất để giúp người ẩn dật khôi phục các mối quan hệ.
Minh Phương (Theo CNA)