Là học sinh năm cuối, bình thường ở trường, Xiong còn có thời gian nghỉ ngơi giữa các tiết, trước khi về nhà tiếp tục học. Nhưng hai tháng qua, khi Vũ Hán bị phong tỏa vì Covid-19, Yanfei ngồi cả ngày trước máy tính xách tay.
"Tôi rất lo lắng. Gaokao hay cao khảo (thi đại học) là một bước ngoặt quan trọng. Nền tảng giáo dục rất quan trọng. Rất ít người thành công mà không học đại học", Xiong nói.
Hàng năm, hàng triệu học sinh trung học và trường nghề khắp Trung Quốc tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học. Đạt điểm cao trong kỳ thi có tới 10 triệu người tham gia là cách duy nhất để vào được những trường đại học hàng đầu cả nước, giúp đảm bảo một tương lai tươi sáng và sự nghiệp thuận lợi.
Học sinh chịu áp lực thi đỗ lớn tới nỗi năm 2019, chính phủ phải quy định cha mẹ và giáo viên không được ép các em học quá tải. Kỳ thi năm nay đáng lẽ diễn ra vào tháng 6, nhưng bị hoãn lại ít nhất một tháng.
Cao khảo năm nay sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8/7, trừ Bắc Kinh và tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát Covid-19, hai địa phương vẫn chưa công bố ngày thi. Chính quyền hoãn công bố vì đang cân nhắc tới sự ảnh hưởng của Covid-19.
Trong khi học sinh cấp ba ở hơn một chục tỉnh thành đã quay lại trường học, học sinh ở nhiều nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và Hồ Bắc, vẫn đang chờ ngày quay lại trường và tiếp tục học trực tuyến. Học sinh năm cuối cấp ba ở Thượng Hải và Quảng Đông sẽ đi học lại vào 27/4.
Khắp Trung Quốc, học sinh và giáo viên đang suy đoán xem việc hoãn thi có lợi hay bất lợi. Một số người ăn mừng vì có thêm thời gian học ôn, một số người khác lại càng thêm áp lực vì phải tiếp tục căng thẳng thêm một tháng nữa.
"Sau khi cao khảo bị hoãn, tôi lại càng lo lắng hơn", Xiong viết trên mạng xã hội Weibo. "Nhưng đây là trận chiến tâm lý mà tôi phải chiến thắng, nhất định phải thắng".
Sharon Li, học sinh năm cuối ở Quảng Châu, nhẹ nhõm khi biết tin cao khảo hoãn một tháng. Li học ôn thi ở nhà suốt nhiều tuần nay, làm bài trong sách giáo khoa từ 7h30 tới 18h hàng ngày, sau đó làm tiếp bài tập nâng cao. Từ khi bắt đầu tự học ở nhà, Li đặt áp lực rất lớn lên bản thân để cạnh tranh với các bạn.
"Thầy giáo cảnh báo chúng tôi rằng bây giờ không thể so sánh lực học với bạn khác nên có người sẽ không thấy áp lực. Tuy nhiên, khi đi học lại và làm bài kiểm tra, chúng tôi sẽ nhận ra mình thụt lùi như thế nào", Li nói.
Li bắt đầu thức khuya, có hôm học tới 2h sáng, chịu đựng căng thẳng về tinh thần và áp lực điểm số. Bây giờ, khi biết có thêm một tháng để ôn thi, Li hy vọng sẽ học hành thoải mái hơn.
"Tôi có thể dùng thêm một tháng này để củng cố những điểm còn yếu. Thậm chí tôi có thể tạo ra kỳ tích, có thể lắm", Li nói.
Nhưng với Li Yongjun, người có con gái Ruoran đang học ôn thi ở Bắc Kinh, việc hoãn thi nghĩa là "lại có thêm một tháng đau khổ" với hàng triệu phụ huynh như anh.
"Chúng tôi đều mệt mỏi", anh nói. "Mọi người đều khổ. Chúng tôi hy vọng thi xong càng sớm càng tốt. Thi muộn càng làm người ta mệt mỏi".
Cao khảo kéo dài 9 tiếng, diễn ra trong hai ngày, gồm 4 môn: Hán ngữ, toán, tiếng Anh và một môn khoa học (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc xã hội (chính trị, lịch sử, địa lý). Kết quả thi là tiêu chí duy nhất được nhận vào đại học ở Trung Quốc.
Một điều trùng hợp là đa số học sinh tham dự kỳ thi năm nay chào đời năm 2003, khi Hội chứng suy hô hấp cấp tính (SARS) tấn công Trung Quốc. Một chủng virus corona "làm mưa làm gió" năm các em sinh ra, giờ một chủng mới tiếp tục hoành hành vào năm cuối trên ghế nhà trường.
Covid-19 gây nhiều khó khăn hơn so với SARS. Năm 2003, đa số trường học vẫn mở cửa khi hơn 8.000 người bị nhiễm và 744 người tử vong.
Li cho rằng việc mình sinh ra vài tháng trước dịch SARS và ôn thi gaokao lúc Covid-19 bùng phát khiến thế hệ của cô bé như "được ông trời lựa chọn". "Nó giống như một bộ phim", Li nói. "Chúng tôi là nhân chứng lịch sử".
Nhiều học sinh khác cảm thấy trưởng thành hơn nhiều trong ba tháng qua. Xiong, học sinh một trường dạy nghề ở Vũ Hán, cho biết cô và em gái đã không còn mơ mộng về "người nổi tiếng và đồ ăn ngon", mà quyết định suy nghĩ về cuộc sống tương lai.
"Chúng tôi nhanh chóng biến từ hai đứa trẻ vô lo vô nghĩ thành hai thiếu nữ lo lắng cho tương lai bản thân. Tôi không biết đường đi phía trước dẫn về đâu", Xiong bày tỏ.
Hồng Hạnh (Theo CNN)