Đó là chuyến đi xa đầu tiên của người phụ nữ 26 tuổi. Chồng chị đã vào TP HCM trước một năm. Gần hai ngày trên ôtô, mẹ con chị xuống bến xe khi trời vừa sáng. Chồng đợi sẵn. Cả nhà đèo nhau về căn phòng trọ rộng chưa đến 10 m2, nằm trong dãy 10 phòng thuê với 20 công nhân cùng cảnh xa xứ.
Sáng hôm sau, chị đến Pungkook - công ty chuyên may balô, túi xách có lịch sử lâu đời ở Hàn Quốc, xin việc. Thông báo tuyển dụng không yêu cầu trình độ văn hóa, chỉ cần người biết may. Do vậy, vốn chỉ học xong lớp 9 nhưng là thợ may ở quê, chị Lan dễ dàng vượt qua phần thi chụp hộp túi, trở thành công nhân chính thức.
Xa ông bà, con nhỏ phải gửi trẻ đến khuya, vất vả hơn quê nhà, nhưng anh chị chấp nhận đánh đổi. "Chúng tôi quyết bám trụ thành phố bởi nhìn thấy tương lai. Cuộc sống công xưởng vất vả, nhưng vẫn hơn ở quê vì kiếm ra tiền", chị nói.
Pungkook Sài Gòn thuộc thế hệ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên vào TP HCM. Từ năm 1993, công ty lần lượt mở 4 nhà máy tại quận 7 và quận 4. Cũng như Pungkook, các doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực sản xuất có nhu cầu nhân lực lớn, nhờ đó mang lại cơ hội cho lao động tìm "miền đất hứa" như chị Lan.
Thế nhưng, chị Lan không tính đến ngày nhà máy rời đi. Tại TP HCM - nơi thu hút nguồn FDI lớn nhất cả nước suốt 35 năm kể từ ngày mở cửa kinh tế, lớp lao động U50 đang trở thành thế hệ dở dang khi các doanh nghiệp "chuyển mình".
Chị Lan vào làm tại nhà máy Pungkook Nhà Bè Sims (quận 7) năm 1996, với mức lương thử việc 312.000 đồng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng ngót nghét gần một triệu đồng mỗi tháng. Trừ khoản gửi con, nhà trọ, ăn uống tằn tiện, chị để dành được một chỉ vàng.
Thời điểm chị gia nhập Pungkook cũng là lúc bắt đầu làn sóng FDI đầu tiên của Việt Nam - 8 năm kể từ khi mở cửa kinh tế. Vốn FDI đạt kỷ lục, cán mốc gần 10 tỷ USD năm 1996. Là điểm đến hấp dẫn nhất cả nước khi đó, TP HCM chiếm 1/5 tổng vốn đầu tư nước ngoài (2,4 tỷ USD). Tất cả đến từ ngành dệt may, da giày, điện tử, và nằm ở phân khúc gia công, sử dụng nhiều lao động.
Làn sóng FDI kéo theo dòng di cư ồ ạt tới thành phố. Tỷ lệ tăng dân số cơ học giai đoạn 1999-2009 là 2,24% mỗi năm - gấp 112 lần mười năm trước, và gấp 2,7 lần thời kỳ 1989-1999.
Tuy nhiên, TP HCM sau đó thay đổi.
Giai đoạn 2006-2010, chính quyền thành phố phê duyệt đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp, theo hướng giảm ngành thâm dụng lao động. Trong đó, ngành dệt may được định hướng giảm tỷ lệ sản xuất gia công, và phát triển khâu thiết kế - tạo mẫu, theo Quyết định 2425/2007.
Làn sóng FDI thứ hai chuyển hướng, tập trung vào các ngành nghề hàm lượng chất xám cao như công nghiệp phần mềm, điện tử tin học... Mở đầu là dự án của Tập đoàn Intel tại Khu Công nghệ cao TP HCM đầu tư vào ngành công nghệ bán dẫn.
Giai đoạn này, Pungkook Nhà Bè Sims sắp xếp lại nhân sự, dời hoạt động sản xuất về Bình Dương. Năm 2006, sau gần một thập kỷ gắn bó với nhà máy, chị Lan phải nghỉ việc.
Kể về đợt dịch chuyển này, đại diện Pungkook cho biết từ năm 2000, TP HCM đã có chủ trương di dời nhà máy sản xuất ra khỏi nội thành. Công ty lên kế hoạch ngưng hoạt động ba cơ sở nằm ngoài Khu chế xuất Tân Thuận, và khởi động nhà máy mới tại Bình Dương từ năm 2004, Bến Tre (2008), Tiền Giang (2012) và Long An (2013).
Không có chuyên môn nào khác ngoài may, sau khi rút bảo hiểm xã hội, chị Lan tiếp tục nộp đơn vào Pungkook Sài Gòn nằm trong Khu chế xuất Tân Thuận.
Tuy nhiên, nhà máy này cũng sớm gặp thêm khó khăn mới: Mô hình hoạt động khu chế xuất không phù hợp, chi phí nhân công tăng cao, khó kiếm lao động phổ thông. Từ năm 2017, doanh nghiệp bắt đầu phương án dịch chuyển lần hai khỏi TP HCM, kêu gọi hơn 3.000 công nhân viên đồng hành. Ban giám đốc khuyến khích lao động có quê ở Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bình Dương di chuyển về các nhà máy.
Nhiều công nhân chấp nhận theo nhà máy về tỉnh và được giữ nguyên lương thâm niên. Sau 3 năm, số lao động ở TP HCM chỉ còn khoảng 1.000. Chị Lan nằm trong số này, luôn hy vọng có thể yên ổn làm việc ở Pungkook đến tuổi hưu. Thế nhưng, năm 2019, chị mất việc lần hai, cũng với lý do nhà máy rút về Bình Dương.
"Bắt đầu khi lương công nhân 312.000 đồng lên được tổ trưởng 13 triệu mỗi tháng thì phải nghỉ", chị Lan nuối tiếc.
Giai đoạn này, cả nước đang trong làn sóng FDI thứ ba, bắt đầu từ năm 2015 - khi loạt tập đoàn công nghệ tỷ USD như Samsung, LG... chọn Việt Nam làm điểm đến. Ngành dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động không còn là "ngôi sao FDI" như 27 năm trước.
Rời khỏi các đô thị lớn như TP HCM không chỉ là lựa chọn của Pungkook.
Sau Covid-19, những chỉ dấu cho thấy doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoặc rời đi, để lại lớp lao động đã gắn bó hàng chục năm càng rõ ràng hơn, theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life).
Rút khỏi thành phố để tìm nơi phù hợp hơn là xu hướng chung của nhiều nhà máy thâm dụng lao động, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM.
Giai đoạn 2016-2020, lao động công nghiệp trên địa bàn giảm bình quân 3,29% mỗi năm. Trong đó, giảm mạnh nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo như dệt may, da giày... ở mức 3,34%. Các ngành này đang từng bước di dời sang địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Hai năm qua, nhiều doanh nghiệp FDI cắt giảm hàng loạt như: Công ty giày Tỷ Hùng giảm 1.200 lao động năm 2022; trong năm 2023, hơn 9.000 lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã nghỉ việc...
Ông Marvin Tsao, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, cho biết năm 1991, khi Khu chế xuất Tân Thuận bắt đầu hình thành, 100% là ngành nghề thâm dụng lao động. Tuy nhiên, con số này giờ đã giảm xuống 50% trên tổng số doanh nghiệp đầu tư. Trong đó, những ngành nghề công nghệ cao chiếm 35%, còn lại là nhóm hỗ trợ phục vụ.
"Sự thay đổi này không chỉ là chính sách phát triển của doanh nghiệp, mà là điều tất yếu của xã hội, nền kinh tế", ông Marvin nhận định.
"Xu hướng các nhà máy trong ngành dệt may là phải dần dịch chuyển về tỉnh", ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty Dệt May Thành Công - doanh nghiệp nội với cổ đông Hàn Quốc nắm 47% cổ phần, nói. "Nếu dệt, sợi, nhuộm dịch chuyển vì quy hoạch của TP HCM không cho phép tồn tại, thì ngành may dịch chuyển vì tự bản thân doanh nghiệp mong muốn".
Hơn 5 thập kỷ làm dệt may, đến nay, Thành Công có 5.300 người. Doanh nghiệp cho biết "không gồng nổi" chi phí lao động, và công nhân cũng không chịu nổi chi phí đắt đỏ ở TP HCM. "Cùng là lương 8 triệu đồng mỗi tháng, nhưng sống ở TP HCM không có dư khiến lao động phổ thông không mặn mà, doanh nghiệp tìm người khó hơn", ông nói.
Muốn tăng lương, doanh nghiệp phải tăng năng suất lao động, nhưng năng suất ngành may đã đến ngưỡng. Do đó, doanh nghiệp phải tìm cách giảm chi phí, chuyển về những khu vực có giá nhân công thấp. 40% lao động của Thành Công hiện ở Vĩnh Long và Tây Ninh.
Ông Tuấn cho rằng nhìn vào sự dịch chuyển ngành may của Trung Quốc có thể dự đoán thời gian ngành này rời khỏi Việt Nam. Đó là khi thu nhập bình quân đầu người tương đương Trung Quốc lúc dịch chuyển - tầm 6.000 USD mỗi năm.
"Giá lao động tăng, trong khi đơn giá sản phẩm tăng rất ít, có những mặt hàng còn giảm. Doanh nghiệp chắc chắn không gồng được giá nhân công nữa", ông Tuấn nói.
Dệt may hiện là ngành sử dụng lao động lớn nhất khu vực tư nhân với gần 2,6 triệu người. Trong đó, chỉ 100 doanh nghiệp FDI may mặc hàng đầu đã chiếm 26% tổng số lao động.
"Điểm chung của các doanh nghiệp phải dịch chuyển là sử dụng lao động giá rẻ", ông Trần Việt Hà, Phó Ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP HCM, phân tích.
Họ không thể tăng lương liên tục để thu hút công nhân, khó cạnh tranh với ngành điện tử, cơ khí. Lương tối thiểu năm 1996 ở TP HCM áp dụng cho doanh nghiệp FDI là 45 USD mỗi tháng (tương đương 495.000 đồng). Sau 27 năm, mức lương thấp nhất là 4,68 triệu đồng, tức tăng hơn 945%. Dù vậy, thu nhập của lao động tay chân vẫn bị đánh giá là không sống được ở thành phố.
Theo Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) vào năm 2021, lương đủ sống của mỗi công nhân ở thành phố phải từ 7,5 triệu đồng mỗi tháng, trong khi thu nhập bình quân chỉ 6,6 triệu đồng. Tức là, các doanh nghiệp phải tiếp tục đối mặt với áp lực tăng lương để đảm bảo mức sống cho công nhân.
Không chỉ muốn tìm nguồn lao động rẻ hơn, các nhà máy thâm dụng còn hướng đến một lớp lao động trẻ hơn.
Báo cáo năm 2022 của ERC chỉ ra, một công nhân ở doanh nghiệp dệt may, da giày, lắp ráp điện tử... năng suất đạt tối đa sau 2-3 năm. Nếu sức khỏe tốt, người này sẽ duy trì năng suất 10-15 năm, sau đó khả năng làm việc giảm dần. Khi người lao động tạo ra giá trị sản phẩm thấp hơn mức lương nhận được, doanh nghiệp sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng.
Chính công nhân ngành này cũng tự "rụng" dần theo thời gian bởi không trụ nổi ngày ngồi 8 tiếng, cộng thêm giờ tăng ca, theo ông Huỳnh Tấn Tài (48 tuổi), Chủ tịch Công đoàn Pungkook. Ông cho biết Pungkook Sài Gòn II ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) có khoảng 4.000 công nhân, nhưng lao động 40 tuổi trở lên chỉ khoảng 30%. Thợ cơ khí này thuộc số ít người gắn bó 27 năm với Pungkook, cùng thời ông chỉ còn tầm 30 người đổ lại, chủ yếu là lao động kỹ thuật.
Thực trạng này không chỉ xảy ra tại TP HCM.
Ông Đoàn Văn Đây, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, cho biết từ năm 2017, công đoàn đã cảnh báo về tình trạng tinh giản lao động lớn tuổi tại các doanh nghiệp FDI đông công nhân dưới nhiều hình thức, ví dụ như "chính sách hỗ trợ khởi nghiệp".
Nhiều người nhận khoản hỗ trợ 100-200 triệu đồng của doanh nghiệp nhằm khuyến khích công nhân rời nhà máy, tự lập nghiệp, nhưng chưa lường hết hệ luỵ xấu. Hầu hết lao động gắn bó quá lâu với nhà máy, không biết sử dụng đồng vốn sẽ nhanh chóng tiêu sạch rồi rút bảo hiểm xã hội một lần. Cuối cùng, họ rơi vào tình cảnh không việc làm, không còn bệ đỡ nào của hệ thống an sinh.
"Giờ đây, tình trạng cho lao động lớn tuổi nghỉ việc càng rõ ràng hơn, lý do chính là dịch bệnh, suy thoái kinh tế, đơn hàng giảm", ông Đây nói.
Sau ba thập kỷ, nhóm lao động thuộc giai đoạn đầu thu hút FDI như chị Lan nay đã bước sang tuổi trung niên, rơi vào thế lưỡng nan khi "chưa đến tuổi hưu nhưng chực chờ hết tuổi nghề".
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc lý giải, các doanh nghiệp muốn tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách tuyển lao động trẻ để có năng suất tốt nhất, với giá thấp nhất.
"Nếu nói cuộc đời 60 năm thì những lao động dở dang chỉ mới đi được 2/3", ông đánh giá.
Nhóm này trở nên bế tắc bởi suốt nhiều năm quanh quẩn nhà máy và không chuẩn bị gì cho tình huống rời công xưởng khi chưa hết tuổi lao động. Theo Khảo sát thực trạng đời sống, việc làm của nữ công nhân ngành may do Liên đoàn lao động TP HCM thực hiện năm 2021, chỉ 2% người được hỏi cho biết dành thời gian để học thêm, 68% dùng để làm việc nhà, còn lại xem tivi, ngủ... Tiền dành cho việc nâng cao trình độ chiếm 3% tổng chi tiêu.
Sự đứt gãy của nhóm lao động trung niên đã được dự báo từ nhiều năm trước.
"Những cảnh báo về sự đổ vỡ từng mảng của thị trường lao động đã bị bỏ qua", PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), nói.
Sáu năm trước, Viện này công bố khảo sát tình trạng doanh nghiệp sản xuất tìm cách cho lao động ngoài 35 tuổi nghỉ việc để thay thế bằng người trẻ hơn. Trong 64 doanh nghiệp tham gia, tuổi bình quân của lao động ngành điện - điện tử là 26,9; dệt may, giày da là 29,5 tuổi; và chế biến - chế tạo là 30,9 tuổi. Thời gian trung bình người lao động làm việc cho doanh nghiệp chỉ 6-7 năm.
Từ kết quả khảo sát, ông cảnh báo trong tương lai không xa, sẽ có hàng nghìn đến chục nghìn người mất việc. Ở độ tuổi 40, họ vẫn đang là lao động chính của gia đình. Nếu nhà nước không can thiệp, lao động trung niên sẽ rơi vào thất nghiệp vĩnh viễn.
"Nhiều người nói tôi đã lo quá xa", ông Thọ kể.
"Dịch chuyển các ngành thâm dụng ra khỏi thành phố lớn, sau đó ra khỏi một đất nước là câu chuyện lịch sử và có tính lặp lại", TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nói.
Lùi về cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất, xuất phát điểm của ngành dệt may từ Anh, châu Âu, rồi chuyển sang Mỹ. Theo thời gian, doanh nghiệp các nước này đi lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, hoặc chuyển đổi ngành nghề. Còn những khâu thâm dụng lao động lại chuyển sang Nhật rồi Hàn Quốc, Đài Loan.
Cuối thập niên 80, đơn hàng của doanh nghiệp sản xuất Hàn Quốc sụt giảm, các cuộc ngừng việc diễn ra thường xuyên. Doanh nghiệp buộc thu hẹp quy mô lao động, đầu tư vào cơ sở vật chất, tự động hóa.
Đầu thập niên 90, các nhà sản xuất tại Hàn Quốc lên kế hoạch thay đổi để chuyển sang ngành công nghệ mang đến giá trị cao, hoặc chuyển dịch khâu gia công sang nước khác. Cùng lúc, Việt Nam thành lập các khu công nghiệp tập trung, thu hút FDI, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư muốn dịch chuyển.
Đây trở thành công thức chung của các nước phát triển. Khâu gia công với lợi nhuận dựa vào sức lao động, được chuyển sang các nước đang thu hút đầu tư bằng nhân công giá rẻ, ưu đãi thuế, và tìm cách giải quyết việc làm cho nhân lực dư thừa.
"Nhưng sự dịch chuyển nào cũng có tác dụng phụ", TS Lê Duy Bình nói. Nhóm lao động ngoài 40 tuổi mất việc chính là hệ quả của lịch sử mà quốc gia nào khi chuyển đổi cũng cần phải giải quyết. Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy đó.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng những lao động dở dang vẫn phải tìm một công việc khác để bắt đầu cho chương thứ hai của cuộc đời. Lúc này, họ đối mặt lựa chọn: ở lại đô thị với sự cạnh tranh không cân sức, hay hồi hương tìm kế sinh nhai. Trước mặt họ là gánh nặng tuổi già không bảo hiểm xã hội, không dự trữ.
Theo ông, người lao động không thể tự xoay chuyển cuộc đời mình trong lúc bí bách mà cần những trợ lực lớn từ Chính phủ và doanh nghiệp. Bởi, những thành tựu vượt bậc của nền kinh tế hôm nay có sự đóng góp âm thầm của hàng triệu công nhân này.
Ở tuổi ngấp nghé 50, chị Lan từng tìm cách quay lại nhà máy. Không kiếm được việc ở doanh nghiệp dệt may, chị chấp nhận làm ngành trái tay, nhưng vẫn thất bại.
Tiêu chí tìm công nhân của các công ty không khác nhiều 30 năm trước: "Tuyển lao động dưới 35 tuổi. Yêu cầu sức khỏe tốt, chịu tăng ca". Cơ hội dành cho mọi trình độ, chỉ cần đủ sức khoẻ - điều duy nhất cản trở những lao động trung niên như chị.
Hết đường trở lại nhà máy, chị Lan gia nhập lực lượng lao động phi chính thức khi được một xưởng may gia công nhận làm thời vụ, ăn lương sản phẩm. Mỗi tháng chị kiếm được 4-5 triệu đồng, vừa đủ chi tiêu. Nhưng từ cuối năm ngoái, việc ít do ngành dệt may "đói" đơn hàng, chị không biết còn bám trụ được bao lâu.
Gần 25 gắn bó với công xưởng, chị chưa từng làm hay học một nghề nào khác ngoài nghề may.
* Đồ hoạ công nhân trong bài được vẽ bởi ứng dụng Generative AI của Adobe Firefly
Nội dung: Lê Tuyết
Dữ liệu: Việt Đức
Đồ hoạ: Đăng Hiếu
Bài 3: Thất thế trên sân nhà