Là người độc thân thế hệ đầu tiên ở Nhật Bản nên ông Suzuki không quan tâm đến hôn nhân hay gia đình, chỉ muốn tận hưởng cuộc sống và vui vẻ. Nhưng càng già đi, nhìn thấy cảnh các thành viên trong gia đình hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn khiến ông không khỏi khao khát. Hơn chục năm nay ông theo đuổi mục tiêu lấy vợ.
Ở tuổi này, biết rõ sức khỏe là quan trọng nên ông cố gắng đi bộ nhiều nhất có thể. Người đàn ông 72 tuổi duy trì thói quen tự đi chợ, nấu ăn, vừa để tốt cho sức khỏe, vừa để không gây khó khăn cho người vợ tương lai. Ông cũng rất tỉ mỉ về ngoại hình, tủ quần áo lúc nào cũng gọn gàng và mua rất nhiều sản phẩm chăm sóc da dành cho nam giới.
"Tôi cẩn thận sắp xếp cuộc sống và viết những từ như 'nỗ lực', 'kiên nhẫn' và 'lạc quan' để lên lịch mỗi ngày, tất cả vì một mục tiêu: kết hôn", ông chia sẻ.
Mặc dù sức khỏe rất tốt, ông vẫn không khỏi lo lắng khi người xung quanh lần lượt rời xa. "Suy cho cùng, ai cũng phải có gia đình", ông nói.
Tiếng thở dài của ông Suzuki cũng đang là nỗi niềm của nhiều người già độc thân ở Nhật Bản. Lo sợ sẽ phải một mình đối mặt với tuổi già, bệnh tật và cuối cùng chết một mình, nhiều người thuộc thế hệ bài trừ hôn nhân đầu tiên bắt đầu hối hận.
Khảo sát của Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản năm 2020 cho thấy tỷ lệ nam và nữ chưa kết hôn trước 50 tuổi lần lượt đạt 32,4% và 28,3%. Trên thực tế, từ thập niên 1980-1990 khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ đã xuất hiện bộ phận không kết hôn ở Nhật Bản.
Một thống kê về hạnh phúc cho thấy, trong giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi trung niên sang tuổi già, người ở độ tuổi 40-50 chưa từng kết hôn cảm thấy không hạnh phúc nhiều hơn so với người đã kết hôn. Sau khi bước qua tuổi trung niên, lão hóa là điều không thể tránh khỏi nên con người càng cô đơn hơn khi các hoạt động xã hội giảm đi. Càng già, chắc chắn sẽ có càng nhiều người nghi ngờ lựa chọn của mình thời trẻ.
Vì vậy, ngày càng có nhiều trang web hẹn hò, các công ty mai mối trực tiếp và thậm chí cả các app, hướng đến những người trung niên và người già Nhật Bản đột nhiên muốn kết hôn. Trên các web mai mối phổ biến khẩu hiệu: "Một sự lựa chọn mà bạn cảm thấy đúng đắn khi còn trẻ chưa chắc đã đúng khi già đi. Suy cho cùng, hai người vẫn tốt hơn một người".
Theo một công ty chuyên dịch vụ giới thiệu kết hôn cho người trung niên và người cao tuổi, số người đến đăng ký làm thành viên đã tăng 20% so với ba năm trước. Các tổ chức này thường yêu cầu thành viên cung cấp bằng chứng về tình trạng độc thân và tài sản.
Một người đàn ông đã tham gia các cuộc hẹn hò giấu mặt trong bốn tháng tiết lộ đã chi 300.000 yên (hơn 42 triệu đồng) cho phí tham gia, phí thành viên, chụp ảnh nhưng khi nghĩ tới cơ hội lấy được vợ, ông không tiếc.
Nhiều công ty hôn nhân lớn như O-net và Nozze, vốn tập trung vào giới thiệu kết hôn cho giới trẻ, cũng bắt đầu tăng cường dịch vụ dành cho người trung niên và người già. Để quảng bá, họ không chỉ đăng những bài phân tích ưu, nhược điểm của việc độc thân và kết hôn ở người cao tuổi mà còn đăng những trường hợp thành công và mời những đôi này kể lại câu chuyện gặp gỡ và kết hôn. Tất cả nhằm giúp xua tan những lo lắng và tự tin hơn khi lựa chọn theo đuổi hôn nhân ở tuổi này.
Riêng với những người nhất quyết độc thân, cần nhìn nhận rõ rằng càng già thì tác động của nền kinh tế và môi trường xã hội đối với chúng ta càng giảm; cảm xúc nội tâm và trải nghiệm cuộc sống dần dần chiếm tỷ trọng lớn hơn.
Tuổi tác mang đến những thay đổi trong tâm trạng. Ngày xưa chỉ muốn tự do bay bổng thì nay muốn một mái nhà ấm áp. Những người chỉ quan tâm đến sự nghiệp khi còn trẻ cũng bắt đầu mong muốn có người đồng hành. Mặc dù các cộng đồng hưu trí, các nhóm tương trợ đang dần nổi lên, hôn nhân - với tư cách là mối quan hệ cơ bản và đơn giản nhất giữa các cá nhân - vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu.
Không giống như những người trẻ có khả năng lao động và khả năng sống đa dạng, khi chức năng thể chất suy giảm thì khả năng chống chọi với rủi ro của người cao tuổi cũng ngày càng suy yếu. Bệnh tật hoặc tai nạn có thể ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng tài chính và thể chất của người cao tuổi. Đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, trong khi ngày càng ít cơ hội việc làm, người cao tuổi không có người thân hoặc con cái hỗ trợ thường dễ rơi vào tình trạng khó khăn hơn.
Có thống kê cho rằng 1/3 số người bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì tội trộm cắp trong cửa hàng là trên 65 tuổi. Họ thường trộm cơm nắm và thực phẩm để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản, thậm chí có người còn cố ý phạm tội để được vào tù. Không phải lãng mạn nhưng khi về già, có vợ chồng giúp đỡ lẫn nhau, khả năng chịu đựng rủi ro sẽ được nâng cao. Hỗ trợ lẫn nhau về mặt tài chính và có người bầu bạn khi ốm đau là những lý do thực tế nhất khiến nhiều người cao tuổi chọn bắt đầu theo đuổi hôn nhân.
Ngoài ra, cuộc hôn nhân ở tuổi này còn chú trọng nhiều hơn đến mặt tâm lý. Khi bạn bè xung quanh lần lượt lập gia đình hoặc mất liên lạc vì nhiều lý do, những người lớn tuổi trong gia đình lần lượt qua đời, đó là khi người độc thân bắt đầu cảm nhận được sự cô đơn của cuộc sống.
"Dù có chuyện gì xảy ra, chúng tôi cũng muốn sát cánh bên nhau, mỉm cười và động viên nhau. Ngay cả khi gặp phải mâu thuẫn, chúng tôi vẫn có thể nói chuyện, giải quyết và đồng hành cùng nhau", một cặp người cao tuổi kết hôn chia sẻ.
Hơn nữa ở nơi tỷ lệ sinh ngày càng thấp, những người bắt đầu theo đuổi hôn nhân sau 50 tuổi không phải chịu gánh nặng nuôi con. Vì vậy, nhiều người chọn cách tiêu tiền cho bản thân, và nghĩ "nếu tìm được người cùng chí hướng đi qua hôn nhân, cùng nhau hưởng thụ, sao không làm".
Cuối chương trình, ông Suzuki bày tỏ sự kỳ vọng vào cuộc hôn nhân trong mơ. "Năm nay tôi đã 72 tuổi và vẫn còn 8 năm nữa để theo đuổi mục tiêu. Tôi Không muốn chết một mình", ông nói.
Bảo Nhiên (Theo Ellemen)