Nhân vật chính của La Grande Bellezza (The Great Beauty) là Jep Gambardella, 65 tuổi, cách đây 40 năm từng viết một tiểu thuyết duy nhất và được coi là kiệt tác văn học Italy: The Human Apparatus. Từ đó đến nay, Jep không viết thêm một cuốn sách nào nữa. Ông chuyển sang làm phóng viên chuyên phỏng vấn các nghệ sĩ hoặc nhân vật nổi tiếng. Hầu hết thời gian trong ngày, Jep buông mình vào những “hội hè miên man”.
Đầu phim khán giả chứng kiến bữa tiệc sinh nhật của Jep: hoành tráng, xa hoa và sôi động đến độ khiến khán giả muốn xem lại lần hai. Đứng giữa đám đông đang quay cuồng theo tiếng nhạc, nhân vật chính Jep Gambardella quay lại với điếu thuốc cắn dở ở miệng, nở một nụ cười bất tuyệt. Nụ cười đó sẽ gắn chặt trên miệng Jep gần suốt phim, tạo cho ông một khuôn mặt thân thiện và khó đoán biết. Đây là nhân vật giàu có và chịu chơi như Jay Gatsby nhưng khôn ngoan và “tỉnh” hơn - một gã đàn ông biết cười mình và cười đời.
Với Jep Gambardella, khán giả được chứng kiến một trong những nhân vật khôn ngoan và thú vị nhất từng xuất hiện trên màn bạc. Đó không phải là kiểu thông minh giải đố những bài toán hóc búa trong phim trinh thám hoặc hình sự mà là sự lịch lãm, từng trải được tinh luyện bởi thời gian và những thăng trầm trong cuộc sống. La Grande Bellezza là một cuộc truy tìm “Vẻ đẹp vĩ đại” mà trọng trách được giao cho kẻ có con “mắt xanh”, có cái nhìn rất tỉnh với cuộc đời.
Bản thân từng là nhà văn, công việc lại gắn chặt với giới nghệ sĩ, Jep có khả năng nhìn thấu và phân biệt nghệ thuật đích thực và nghệ thuật “giả cầy”. Ông bóc mẽ sự giả tạo của các nghệ sĩ một cách không khoan nhượng.
Một nữ nghệ sĩ gây sốc bằng cách khỏa thân lao đầu vào đá có thể phỉnh phờ đám đông nhưng phải phát khóc trước những câu hỏi phỏng vấn thẳng thừng của Jep. Một nữ nhà văn ba hoa đã xuất bản 11 cuốn tiểu thuyết, Jep đốp lại 11 cuốn sách đó được xuất bản là do cô làm bồ nhí lãnh tụ của một Đảng.
Trong La Grande Bellezza, khán giả chứng kiến một cô bé được coi là thiên tài hội họa, vừa khóc vừa ném sơn lên tấm voan vì bị bố mẹ lôi xệch đi, không cho chơi với bạn bè cùng trang lứa. Qua mắt Jep, khán giả như chứng kiến một thời tàn của nghệ thuật: nghệ sĩ bí ý tưởng, gây chú ý bằng những hành động gây sốc hoặc chuyện đời tư. Nghệ thuật bị nhập nhèm với chuyện làm tiền.
Ở Nghệ thuật - nơi được coi là ổ của cái đẹp - Jep chỉ tìm thấy sự thất vọng, lừa phỉnh. Jep tìm thấy cái đẹp ở nơi khác, trong cuộc sống hàng ngày. Đó là vẻ chán chường của một cô gái đẹp trong xe limousine, đôi mắt nhung huyền của một phụ nữ phương Đông, một quý bà mà tuổi tác vẫn không xóa được những nét trang nhã trên khuôn mặt… Đó là những thứ Jep gặp lướt qua khi đang chắp tay sau lưng đi dạo trên đường. Những vẻ đẹp thoáng qua ấy có thể thỏa mãn Jep chốc lát nhưng vẫn không phải là La Grande Bellezza (Vẻ đẹp vĩ đại) mà Jep tìm kiếm.
Đặt bối cảnh ở Rome, La Grande Bellezza không hề kiềm chế trong việc phô diễn những nét tuyệt mỹ của “Thành phố Vĩnh hằng”. Đó là đấu trường Colesseum hùng vĩ, dòng Tevere thanh bình, những nhà nguyện thiêng liêng, những khu vườn tuyệt đẹp của các “Hiệp sĩ dòng Malta” hay những bảo tàng chứa những kiệt tác vô giá của nhân loại.
Giống như tên bài hát Too Much Love Will Kill You, ở Rome là “too much beauty can kill you” (Quá nhiều vẻ đẹp có thể giết chết bạn). Bằng chứng là ngay từ đầu phim, một du khách du lịch người Nhật đã lên cơn đau tim, chết ngay tại chỗ khi chứng kiến Rome từ trên cao.
Rome không giết chết ngay Jep Gambardella nhưng làm ông “sống mòn”. Thật ngạc nhiên là ở một nơi bão hòa về nghệ thuật như Rome, Jep Gambardella vẫn không tìm thấy La Grande Bellezza. Sự kiếm tìm cái đẹp không mệt mỏi ấy liệu có thu được kết quả? Lời giải đáp nằm ở cuối bộ phim.
Tuy vậy, La Grande Bellezza không chỉ là câu chuyện về cái đẹp. Thông qua số phận của nhân vật, khán giả còn thấy dáng vóc của một thành phố và một quốc gia. Hơn nữa, đó còn là câu chuyện của “đời nhẹ khôn kham”, sự hư vô không thể nắm bắt của cuộc đời.
Những nhân vật trong phim đến và đi đột ngột. Họ cứ thể biến mất, bị gạch tên sỗ sàng khỏi sổ đời mà không rõ nguyên nhân. Đó là cái chết của du khách người Nhật đầu phim, của cô bạn gái cũ của Jep; của chàng thanh niên mắc bệnh tâm thần và của Ramona, cô bạn gái mới. Giây phút trước họ còn sống, trẻ trung, cười đùa, giây phút sau họ đã chết. Jep đau xót trong thoáng chốc rồi bình tĩnh sống tiếp như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chỉ duy nhất một lần ông than thở “Mọi thứ quanh tôi đang chết dần”.
Jep làm bạn với giới tinh hoa: nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, người mẫu, hồng y… Khác với những người khác thường nuôi dưỡng ảo tưởng về bản thân, Jep có khả năng nhìn chính mình và người khác dưới ánh sáng thật. Qua Jep, người xem làm quen với vị Hồng y đang ngấp nghé ngôi Giáo Hoàng, thích ba hoa, mở miệng ra là say sưa nói về việc chế biến món ăn. Khán giả gặp những quý tộc khánh kiệt phải kiếm sống bằng cách cho thuê chính mình để làm sang cho những bữa tiệc.
Một cô gái Jep quen hăng hái khoe sự nổi tiếng của mình trên Facebook, chẳng cần nghề ngỗng gì vì bản thân đã quá giàu… Đối với tất cả sự lố bịch đó, Jep giữ một cái nhìn vừa chế giễu, vừa cảm thông. Cuộc sống tù đọng của giới tinh hoa đã có lần được Jep ví với điệu nhảy “đoàn tàu” rất phổ biến ở Rome, “chẳng dẫn đến đâu cả”.
Mặc dù bạn bè của Jep đều là những trí thức giàu có và nổi tiếng, ông vẫn nhìn thấy sự bất hạnh, không thỏa mãn mà họ giấu kín bên trong. Jep thẳng thừng: “Tất cả chúng ta đều bên bờ tuyệt vọng. Tất cả những gì ta có thể làm là nhìn mặt nhau, bầu bạn với nhau, đùa vui chút đỉnh”.
Ở tuổi 65, Jep gần như có mọi thứ mà những gã trai trẻ từng ao ước: tiền bạc, danh vọng, đàn bà. Nhưng da thịt phụ nữ không lấp đầy được sự trống rỗng, những bữa tiệc xa hoa khiến Jep cảm thấy nhàm chán. Ít nhất hai lần trong phim, Jep được hỏi hoặc tự hỏi “Tôi là ai?” mà không có câu trả lời. La Grande Bellezza chọn khắc họa những đối tượng đều thuộc giới trí thức, thành đạt. Sự thông tuệ và tiền bạc cũng không cứu họ khỏi nỗi u buồn và sự thất vọng.
Chán nản hiện tại, Jep tìm thấy sự xoa dịu nhờ những hồi tưởng. Jep vẫn mơ về biển, về một mùa hè sống mãi trong quá khứ, tiếng chim hải âu rộn ràng và bầu trời Địa Trung Hải xanh ngắt trên đầu. Jep nhớ mình của 18 tuổi và cả khuôn mặt của người thiếu nữ mà thuở ấy ông tôn thờ.
Jep trở nên già cỗi giống thành phố của mình, sống nhờ những vinh quang trong quá khứ. La Grande Bellezza vì thế không chỉ là câu chuyện của một cá nhân, mà còn là câu chuyện của một thành phố, một đất nước. Rome vẫn đường bệ, hào nhoáng nhưng đang tàn lụi. Qua La Grande Bellezza, khán giả cũng nhác thấy bóng dáng của một Italy sống nương vào quá khứ.
Bộ phim bắt đầu bằng lời đề từ: “Hành trình của chúng ta hoàn toàn chỉ trong tưởng tượng. Đó chính là sức mạnh của nó. Đi từ sự sống đến cái chết. Con người, động vật, thành phố, mọi thứ, tất cả đều do tưởng tượng mà ra”.
La Grande Bellezza là một bộ phim tràn đầy hình ảnh biểu tượng. Đó là con hươu cao cổ trong đấu trường Colosseum, thoáng hiện ra, thoáng biến mất trong phép ảo thuật; đó là những cái chết bất ngờ của các nhân vật trong phim, là dáng đi bộ thong dong của Jep. Tất cả gợi nên suy tưởng cuộc đời như một cuộc dạo chơi ngắn ngủi, mọi thứ chỉ là thoáng qua, vụt ngang trước tầm mắt, không thể sở hữu, không thể giữ lại.
Nhưng Jep cũng tự nhận: “Mọi thứ quá phức tạp cho một cá nhân có thể hiểu được”. La Grande Bellezza không có tham vọng cắt nghĩa cuộc đời. Bộ phim mời khán giả ghé mắt qua cuộc đời của Jep, tham gia những cuộc vui chơi thú vị của ông ta, ngẫm ngợi chút đỉnh về sự vô nghĩa của cuộc đời chỉ để cười xòa.
Trailer phim "The Great Beauty" |
|
Anh Trâm