Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 25/4 cho rằng lực lượng Nga đã mất khoảng 580 xe tăng từ khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong đó chủ yếu là T-72, mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột.
Nga chưa công bố thiệt hại về xe tăng trong chiến dịch tại Ukraine, nhưng các hình ảnh được công bố cho thấy nhiều xe tăng T-72 bị thổi bay tháp pháo khi bị tên lửa chống tăng tấn công từ trên cao. Đây là chiến thuật tấn công "đột nóc" của nhiều loại vũ khí chống tăng hiện nay, trong đó quả đạn kích nổ ngay trên nóc tháp pháo, phần có giáp mỏng nhất của xe.
Sam Bendett, cố vấn Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, cho rằng chiến thuật tấn công đột nóc này đã làm lộ ra điểm yếu trong thiết kế của xe tăng T-72.
"Bất cứ đòn tấn công thành công nào của tên lửa phía trên tháp pháo đều nhanh chóng đốt cháy những quả đạn chứa bên trong, gây ra vụ nổ lớn bên trong xe và thổi tung tháp pháo", Bendett nói.
Đây được gọi là hiệu ứng "thổi bay", liên quan đến cách xếp đạn pháo trong xe tăng. Khác với xe tăng phương Tây chứa đạn ở buồng riêng tách biệt với kíp lái, xe tăng T-72 được xếp khoảng 40 viên đạn cỡ 125 mm trong tháp pháo.
Thiết kế này cùng hệ thống nạp đạn tự động giúp T-72 có thể nhanh chóng khai hỏa, tạo mật độ hỏa lực lớn để chế áp mục tiêu đối phương. Bendett đánh giá trữ đạn trong tháp pháo còn giúp tiết kiệm không gian, đồng thời làm xe tăng T-72 thấp hơn và khó bị bắn trúng hơn trong giao chiến.
Tuy nhiên, nó cũng khiến xe tăng rất dễ bị tổn thương, vì một đòn đánh vào tháp pháo có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền và kích nổ toàn bộ số đạn pháo bên trong.
Hiệu ứng "thổi bay" khiến kíp xe tăng, gồm hai người ngồi trong tháp pháo và lái xe bên dưới, rất dễ gặp nguy hiểm khi bị tấn công đột nóc, Nicholas Drummond, cựu sĩ quan lục quân Anh và chuyên gia nghiên cứu tác chiến trên bộ, nhận định.
Quân đội các nước phương Tây đã thay đổi cách trữ đạn sau khi chứng kiến hàng loạt xe tăng T-72 của Iraq bị thổi tung tháp pháo trong cuộc chiến năm 1991 và 2003.
"Quân đội các nước phương Tây đã rút kinh nghiệm từ Chiến tranh Vùng Vịnh. Khi chứng kiến cách những chiếc xe tăng bị hạ trong giai đoạn này, họ nhận ra cần phải xếp đạn ra khoang khác", Drummond nói, đề cập tới xe chiến đấu bộ binh Stryker của Mỹ, được phát triển sau cuộc chiến tại Iraq năm 1991.
"Stryker có tháp pháo nằm trên cùng và không thông với khoang của kíp lái. Toàn bộ đạn được cất trong tháp pháo. Nếu tháp pháo trúng đạn và nổ tung, kíp lái và những người bên dưới vẫn an toàn. Đó là một thiết kế thông minh", Drummond nhận xét.
Một số loại xe tăng phương Tây như M1 Abrams của Mỹ có kích thước lớn hơn T-72 và không dùng hệ thống hỗ trợ nạp đạn. Khoang trữ đạn nằm tách biệt và ngăn với tháp pháo bằng một cánh cửa đặc biệt.
Khi cần khai hỏa, kíp xe M1 Abrams lấy đạn từ khoang kín và đặt vào buồng đạn của pháo. Nếu xe bị bắn trúng, chỉ có một quả đạn có nguy cơ bị kích nổ trong tháp pháo.
Chuyên gia Bendett cho rằng một đòn tấn công chính xác có thể làm hỏng xe tăng M1, song kíp lái có thể thoát nạn. Theo Drummond, đạn pháo xe tăng phương Tây cũng được thiết kế để bốc cháy nhưng không phát nổ trong trường hợp xe bị trúng tên lửa chống tăng.
Để khắc phục nhược điểm về thiết kế của T-72, Nga từ những năm 1990 phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata. Tháp pháo của T-14 được điều khiển từ xa, không có người bên trong, sử dụng pháo chính 125 mm được nạp đạn tự động. Kíp lái của xe ngồi trong khoang bọc thép dưới thân, cách biệt với bộ phận nạp và buồng chứa đạn ở giữa xe tăng.
T-14 Armata được coi là một bước đột phá về công nghệ xe tăng của Nga, nhưng chi phí quá cao cùng một số trở ngại khiến mẫu xe tăng này tới nay chưa được sản xuất hàng loạt để biên chế đại trà. Quân đội Nga tới nay vẫn sử dụng các mẫu xe tăng cũ hơn trong chiến sự tại Ukraine, đặc biệt là T-72.
Nguyễn Tiến (Theo CNN, The Drive, Military)