Ngày 26/9, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển (SMA) phát hiện hai vị trí rò rỉ trên đường ống dẫn khí Nord Stream 1 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển. SMA trước đó cũng thông báo về một vị trí rò rỉ khác trên đường ống Nord Stream 2 chạy song song với Nord Stream 1.
Kristoffer Bottzauw, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, cảnh báo vụ rò rỉ này đang đẩy một lượng khí methane khổng lồ vào biển Baltic và bầu khí quyển. Theo Bottzauw, các sự cố rò rỉ sẽ khiến 778 triệu m3 khí đốt thoát ra khỏi các đường ống.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Nord Stream 2 hoàn thành cuối năm 2021, nằm gần như song song với Nord Stream 1. Các đường ống này làm bằng thép phủ bê tông dày 12 cm, nằm sâu 70-90 mét dưới đáy biển, theo ông Bottzauw.
Dựa trên số liệu chính phủ Đan Mạch đưa ra, Rob Jackson, chuyên gia khí tượng từ Đại học Stanford, Mỹ và David Hastings, nhà hóa học hải dương ở Florida, ước tính lượng khí nhà kính được giải phóng trong sự cố rò rỉ tương đương 500.000 tấn methane.
Trong khi đó, thảm họa Aliso Canyon, vụ giải phóng khí methane trên mặt đất lớn nhất lịch sử Mỹ, tạo ra khoảng 90.000-100.000 tấn khí.
"Bất cứ ai gây ra thảm họa này cần bị truy tố phạm tội ác chiến tranh và phải ngồi tù", ông Jackson nói.
Andrew Baxter, cựu kỹ sư hóa học, thành viên Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF), cho rằng ước tính của Đan Mạch có thể quá cao. Baxter đưa ra con số về lượng methane được giải phóng thấp hơn, song vẫn hơn gấp đôi so với sự cố Aliso Canyon. "Đây thực sự là một thảm họa khí hậu", ông nói.
Khí methane xuất hiện, sủi bọt trên bề mặt đại dương là dấu hiệu của "một luồng khí rò rỉ rất mạnh", đồng nghĩa một lượng lớn khí đã thoát khỏi đường ống, theo Paul Balcombe, chuyên gia kỹ thuật hóa học từ Đại học Hoàng gia London.
"Tác động đến môi trường và khí hậu sẽ rất lớn, ngay cả khi một phần nhỏ trong lượng khí này được giải phóng", chuyên gia Balcombe nhận định.
Khí methane là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra biến đổi khí hậu. Loại khí này hấp thụ nhiệt lượng Mặt trời mạnh hơn 82,5 lần so với CO2, dù chỉ tồn tại khoảng 12 năm so với hàng thế kỷ của CO2, theo AFP.
"Chừng nào khí methane còn sủi bọt, khu vực đó rất nguy hiểm", ông Bottzauw nói, đồng thời từ chối cho biết thời điểm các chuyên gia có thể triển khai phương tiện lặn xuống vùng biển xảy ra các vụ rò rỉ để kiểm tra các đường ống.
Peter Schmidt, nhà địa chấn học của Đại học Uppsala, cho biết đã ghi nhận dấu hiệu của các vụ nổ dưới lòng biển trước khi các sự cố rò rỉ được phát hiện. Tuyên bố này làm dấy lên nghi ngờ hệ thống đường ống Nord Stream bị phá hoại bằng thuốc nổ.
Các đường ống này gần đây trở thành tâm điểm trong căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây, khi châu Âu tố Nga cắt nguồn cung khí đốt để vũ khí hóa năng lượng, còn Moskva nói rằng các lệnh trừng phạt phương Tây khiến họ không thể đảm bảo nguồn cung.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 28/9 ám chỉ Mỹ đứng sau vụ rò rỉ đường ống Nord Stream, trong khi Washington cáo buộc Moskva tung tin giả. Mỹ cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ các đối tác châu Âu điều tra sự cố rò rỉ và tìm ra nguyên nhân.
Nord Stream 1 gồm hai đường ống chạy song song, với công suất mỗi bên là 27,5 tỷ m3 mỗi năm. Nga dừng hoàn toàn dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 từ ngày 31/8 để bảo trì.
Nord Stream 2 hoàn thành cuối năm 2021, nằm gần như song song với Nord Stream 1, được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan, tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức. Berlin hoãn vô thời hạn cấp giấy phép cho Nord Stream 2 hôm 22/2, hai ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Đức Trung (Theo AP, AFP)