Hôm 13/7, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thực hiện thành công việc hạ cánh máy bay dân sự xuống các sân bay ở đá Vành Khăn và Subi của quần đảo Trường Sa.
Trước đó, ngày 11/7, Bộ Giao thông Trung Quốc khẳng định đã hoàn thành 4 hải đăng và động thổ thêm hải đăng thứ 5 trên các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa.
Đề cập đến các hoạt động phi pháp trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm nay nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bất chấp phản đối của Việt Nam và sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, những hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, là phi pháp và không thể thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không có các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông", ông Bình nói.
Subi và Vành Khăn là hai trong số 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông bị Trung Quốc bồi lấp, cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo và xây dựng các đường băng phi pháp, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự hạng nặng.
Động thái trên của Bắc Kinh diễn ra khi Tòa Trọng tài kết luận Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.
Phán quyết cũng khẳng định không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho nước này.
Trước khi tòa ra phán quyết, máy bay dân sự Trung Quốc cũng đã ngang nhiên hạ cánh trái phép xuống đường băng ở hai đá nói trên.
Xem thêm: Trung Quốc liên tiếp đưa máy bay dân sự đáp xuống Trường Sa
Anh Ngọc