"Nhóm tàu Trung Quốc đã trở lại xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc, yêu cầu rút tàu và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo chiều nay.
Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi được hỏi về biện pháp Việt Nam thực hiện với nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc.
"Các lực lượng chức năng tiếp tục bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Với quyết tâm bảo vệ quyền hợp pháp, Việt Nam sẵn sàng giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình", theo bà Hằng.
Việt Nam đề nghị các quốc gia liên quan đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh hàng hải và hàng không, tuân theo luật pháp quốc tế.
Khi được hỏi về thông tin Việt Nam có thể đưa vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển ra Hội đồng Bảo an và có thể cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, bà Hằng khẳng định Việt Nam kiên quyết kiên trì bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở nam Biển Đông từ đầu tháng 7 và đến ngày 7/8 thì rút đi. Tuy nhiên, 6 ngày sau, nhóm tàu này quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/8 và nhiều lần trong tháng 7 đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút tàu. Nhiều nước như Mỹ, Nhật, Australia và quan chức nước ngoài, như Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện và cố vấn ninh quốc gia Mỹ, cũng đã lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Anh