Trong bài viết trên Facebook hôm 31/5 nhằm chia buồn việc cựu thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda qua đời, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có những phát biểu đề cập tới mối quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia và ASEAN trong thập niên 1980.
Ông Lý nói rằng giai đoạn lãnh đạo của ông Prem trùng với thời điểm mà ông gọi là "sự xâm lược của Việt Nam với Campuchia và chính phủ Campuchia thay thế Khmer Đỏ". Ông còn nói rằng Thủ tướng Thái Lan Prem đã phối hợp với các đối tác ASEAN để chống lại "sự chiếm đóng" của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 4/6 cho hay Việt Nam lấy làm tiếc khi đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này.
Người phát ngôn khẳng định đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16/11/2018, Toà án đặc biệt của Campuchia (ECCC) đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ, trả lại công bằng cho các nạn nhân, được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
Bà Hằng cho hay là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cùng các thành viên khác nỗ lực vì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thống nhất, đoàn kết và có vai trò trung tâm tại khu vực.
Trả lời phỏng vấn báo chí Campuchia hôm 3/6, nghị sĩ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Hun Many, con trai của Thủ tướng Hun Sen, phản đối phát ngôn của Thủ tướng Singapore và khẳng định Việt Nam đã hỗ trợ CPP đánh đổ Khmer Đỏ.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cũng cho biết đã nêu vấn đề này với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore tại Diễn đàn Shangri-La cuối tuần trước. Ông đã thông qua người đồng cấp của Singapore yêu cầu Thủ tướng Lý Hiển Long chỉnh sửa phát biểu của mình, nhấn mạnh rằng điều này là "không đúng sự thật và không phản ánh lịch sử của sự kiện".
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam của tập đoàn phản động Pol Pot, quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục và xây dựng đất nước theo yêu cầu của cách mạng Campuchia.
Đến ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom penh đã được giải phóng, người dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng. Thủ tướng Campuchia Hun Sen sau đó đã khẳng định "thắng lợi có được là do lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia kết hợp với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam".
Thời điểm quân tình nguyện Việt Nam về nước, báo Nhân dân Campuchia ngày 29/6/1989 đã ra xã luận có đoạn "Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi".
Anh Ngọc