"Thành phố lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, chủ yếu là nước", thị trưởng Kherson của Ukraine Roman Holovnia ngày 12/11 cho biết. "Hiện không có đủ thuốc, không có điện và thiếu bánh mì vì lò nướng không hoạt động".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó cáo buộc lực lượng Nga phá hủy toàn bộ hạ tầng quan trọng tại Kherson trước khi rút quân, trong đó có thông tin liên lạc, hệ thông cấp điện, nước và nhiệt để sưởi ấm.
Quan chức Ukraine đưa ra thông báo một ngày sau khi lực lượng nước này tiến vào trung tâm thành phố Kherson và các khu vực ở bờ tây sông Dnieper.
Cơ quan quân sự tỉnh Kherson của Ukraine ban lệnh giới nghiêm tại thành phố từ ngày 12/11 nhằm "đảm bảo an toàn cho cuộc sống của mọi người", đồng thời khuyến cáo dân chúng chưa vội quay về Kherson.
Tổng thống Zelensky cho biết giới chức Ukraine đang "ổn định cuộc sống" và đã xử lý gần 2.000 quả mìn và đạn pháo chưa nổ tại thành phố Kherson. Cảnh sát Ukraine đang thiết lập các trạm kiểm soát trong và xung quanh thành phố.
Quân đội Ukraine tiến vào Kherson và khu vực lân cận ở bờ tây sông Dnieper gần như không gặp trở ngại nào. Bộ Quốc phòng Nga trước đó thông báo rút toàn bộ hơn 30.000 quân nhân và khoảng 5.000 đơn vị khí tài khỏi thành phố Kherson và khu vực lân cận, chiếm khoảng 40% diện tích tỉnh miền nam Ukraine.
Một số chuyên gia phương Tây nhận định dù Nga rút quân khỏi thành phố Kherson có thể coi là chiến thắng của Ukraine, song điều này đặt ra thách thức đối với Kiev khi cục diện chiến trường thay đổi.
Họ đánh giá quân đội Nga sẽ dễ thở hơn trong khâu tiếp tế hậu cần, trong khi lực lượng Ukraine đối mặt những kịch bản tác chiến phức tạp hơn.
Quân đội Nga cũng được nhận định "đưa ra quyết định đúng đắn" khi rút quân khỏi thành phố Kherson và bờ tây sông Dnieper. Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây cho rằng Nga "hoàn toàn có khả năng phát động chiến dịch phản công nếu tập hợp đủ lực lượng" và "còn quá sớm để tuyên bố họ thua cuộc".
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)