Theo nghiên cứu công bố hôm 24/1 trên tờ The Lancet Global Health, ngày càng nhiều em bé Venezuela tử vong trước ngày sinh nhật đầu tiên. Kể từ những năm 1950, quốc gia này có nhiều bước cải thiện lớn trong chăm sóc trẻ sơ sinh, số lượng trẻ tử vong giảm dần nhưng từ một thập niên trước, xu hướng này bắt đầu đảo ngược và năm 2016, nó quay về mức năm 1999, theo CNN.
Theo đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh Venezuela là 21/1.000 ca sinh năm 2016, cao hơn mức trung bình 15/1.000 ca năm 2017 ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, theo Ngân hàng Thế giới.
Nhóm các nhà nghiên cứu ước tính tỷ lệ tử vong của trẻ dưới một tuổi thông qua điều tra dân số, bản tin hàng tuần và hồ sơ tử vong. Tỷ lệ mà họ phát hiện cao hơn báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (15/1.000 trẻ) và Ủy ban kinh tế Liên Hợp Quốc về châu Mỹ Latinh và Caribe (13,8/1.000 trẻ).
Họ cho rằng các tổ chức này đã sử dụng các dự báo cũ vì không có số liệu chính thức từ chính phủ. Những kết quả này không tính đến sự suy giảm kinh tế xã hội gần đây. Các tác giả của nghiên cứu mới cho rằng tình trạng hỗn loạn ở Venezuela trong những năm gần đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng.
"Tỷ lệ trẻ tử vong ngày càng tăng có khả năng xuất phát từ tình trạng dinh dưỡng ngày càng xấu, mức sống suy giảm và hệ thống y tế sụp đổ", theo nhóm tác giả.
Bộ Y tế Venezuela không trả lời yêu cầu bình luận của báo chí. Theo một khảo sát năm 2018 trên 104 cơ sở y tế ở Venezuela, 79% không có nước sinh hoạt, một phần tư là các đơn vị chăm sóc bệnh nhi đặc biệt phải đóng cửa. Trong một thông tin hiếm hoi dẫn tới sa thải bộ trưởng y tế năm 2017, các ca tử vong trong lúc mang thai đã tăng 66%.
Tính đến tháng 6/2016, Venezuela đối mặt với tình trạng thiếu hụt hơn 80% thuốc men, theo liên đoàn dược phẩm Venezuela. Vắcxin cũng bị thiếu hụt, tổ chức bác sĩ Venezuela báo cáo rằng chính phủ không cung cấp vắcxin phòng bệnh bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và cúm Hemophilus loại B cho trẻ dưới 5 tuổi từ năm 2007 tới 2009.
Năm 2018, chủ tịch hiệp hội nhi khoa Venezuela cho biết việc tiêm vắcxin cho trẻ dưới 5 tuổi đã giảm 30%, khiến ít nhất 2,9 triệu trẻ em nước này dễ mắc các bệnh như bạch hầu, sởi. Chính sách tiêm chủng thất bại khiến các bệnh truyền nhiễm quay lại.
Theo WHO, bệnh sởi, bạch hầu, sốt rét bùng phát nghiêm trọng. Năm 2018, Venezuela có hơn 5.000 ca mắc bệnh sởi, trong đó 73 ca tử vong, con số cao nhất ở khu vực châu Mỹ. Sốt rét ảnh hưởng tới 240.000 người năm 2016, tăng 75% so với năm 2015.
"Nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em phổ biến nhất là các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, sởi, sốt rét và suy dinh dưỡng nặng", Jenny Garcia, nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu nhân khẩu học Pháp, tác giả của nghiên cứu mới, cho hay.
Tình trạng thiếu lương thực và đói nghèo lan rộng khiến nạn suy dinh dưỡng ở Venezuela ngày càng nghiêm trọng. Các gia đình phải sử dụng nguồn thực phẩm khác thay thế thịt, giảm khẩu phần ăn, mỗi ngày ăn hai bữa hoặc ít hơn, khiến ngày càng nhiều người suy dinh dưỡng và dễ mắc bệnh. Theo một điều tra năm 2017, trọng lượng trung bình của phần lớn người Venezuela giảm gần 9 kg.
"Quản trị chính phủ kém là nguyên nhân chính. Nó giết chết thế hệ mầm non của Venezuela. Các nước trong khu vực và thế giới cần gây áp lực nhiều hơn để chính phủ đương thời chấm dứt tình trạng này, kiềm chế siêu lạm phát, giải quyết những chính sách thất bại đang đánh cắp tương lai người dân Venezuela", Chris Beyer, giáo sư Trung tâm sức khỏe cộng đồng và nhân quyền John Hopkins, trường y tế công cộng Bloomberg, bình luận.