Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest hôm qua cho hay chính phủ Mỹ nghi ngờ tuyên bố của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi nói rằng Bình Nhưỡng đã chế tạo thành công một quả bom nhiệt hạch (bom H).
"Tại thời điểm này, chúng tôi thật sự hoài nghi về tuyên bố đó của Triều Tiên, nhưng chúng tôi sẽ xử lý thận trọng những rủi ro và mối đe dọa bắt nguồn từ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của chính quyền Triều Tiên", Reuters dẫn lời ông Earnest nói trong buổi họp báo thường kỳ.
Trong khi đó, theo một quan chức tình báo Hàn Quốc, chưa có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đủ khả năng chế tạo bom nhiệt hạch và những gì ông Kim đưa ra chỉ là một hành động "khoa trương".
"Tôi nghĩ Triều Tiên chưa thể có bom nhiệt hạch, nhưng tôi cũng không mong muốn họ tiếp tục tiến hành thử nghiệm những thiết bị cơ bản vô thời hạn", Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury, trụ sở ở California, Mỹ, nhận định. Nhiều khả năng Triều Tiên muốn nhắc tới công nghệ nâng cao năng suất của một thiết bị hạt nhân, có thể là bằng cách sử dụng nhiên liệu nhiệt hạch, ông cho biết thêm.
Theo chuyên gia hạt nhân David Albright, lãnh đạo Viện Khoa học và An ninh Quốc tế ở Washington, Triền Tiên được cho là có theo đuổi vũ khí nhiệt hạch trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chỉ đang làm việc với những thiết bị lỗi thời hơn so với một quả bom nhiệt hạch.
"Tôi hoài nghi về việc họ có thể thành công vào lúc này", ông Albright nói.
Ông Kim Jong-un trước đó khẳng định Triều Tiên chế tạo được cả bom nguyên tử và bom nhiệt hạch, sẵn sàng sử dụng chúng để bảo vệ lãnh thổ và phẩm giá quốc gia.
Bom nhiệt hạch hoạt động mô phỏng quá trình giải phóng năng lượng hạt nhân trên mặt trời, có khác biệt ít nhiều so với nguyên lý bom nguyên tử (bom A). Sức công phá của bom nhiệt hạch là từ sự bùng nổ của hạt nhân hydro khi chúng chuyển thành helium. Bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn nhiều lần bom nguyên tử do nhiên liệu sử dụng nhẹ hơn và phản ứng nhiệt hạch có hiệu suất cao hơn phản ứng nguyên tử.
Vũ Hoàng