Trang web truyền thông của nhà nước Triều Tiên DPRK tuần trước đăng bài xã luận ca ngợi ông Donald Trump là "chính trị gia khôn ngoan", "ứng viên tổng thống có tầm nhìn xa", đồng thời gọi bà Hillary Clinton là "chính trị gia tối dạ". "Công dân Mỹ không nên bỏ phiếu cho bà Clinton. Người nên được bầu là ông Trump bởi ông chọn cách đối thoại trực tiếp với Triều Tiên", bài xã luận có đoạn viết.
Washington Post nhận xét đây là một sự thay đổi bất thường của truyền thông nhà nước Triều Tiên, vốn thường tránh bình luận trực tiếp về chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mỹ. Bài xã luận được đề là của học giả Han Yong-mook, nhưng việc nó được đăng trên báo nhà nước cho thấy nội dung nhiều khả năng trùng với quan điểm của Bình Nhưỡng.
Washington Post cho rằng truyền thông Triều Tiên khen ngợi ông Trump do ông đã đưa ra những quan điểm có lợi cho nước này.
Khi tỷ phú được hỏi rằng Mỹ có lợi gì từ căn cứ tại Hàn Quốc hay không, ông trả lời: "Cá nhân tôi nghĩ là không". "Hàn Quốc rất giàu, họ là nước công nghiệp lớn. Thế nhưng chúng ta không được hoàn trả công bằng cho những gì chúng ta đã làm. Chúng ta đã liên tục điều tàu, điều máy bay, tập trận chung và các hoạt động khác. Nhưng chúng ta chỉ nhận lại một phần lợi từ tất cả những hoạt động này".
Sau đó, khi được hỏi liệu ông có rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc nếu họ không tăng khoản thanh toán cho Mỹ, ông nói: "Tôi sẽ làm vậy. Tôi sẽ không vui vẻ gì khi làm việc đó, nhưng tôi sẽ sẵn sàng làm. Chúng ta không thể cứ để mất đi hàng tỷ USD vào tất cả những điều này".
Hai tuần trước khi truyền thông Triều Tiên đăng bài xã luận, ông Trump tuyên bố sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông nói rằng: "Tôi sẽ nói chuyện với ông ấy, tôi không có vấn đề gì khi nói chuyện với ông ấy".
Những bình luận này đã khiến Seoul lo ngại. JoongAng Ilbo, một trong những tờ báo lớn nhất Hàn Quốc, cho rằng ý tưởng của ông Trump là "thiển cận". Trong khi đó, Marc Thiessen, nhà nghiên cứu tại viện American Enterprise, cho rằng những phát biểu này là "tiếng nhạc du dương" đối với giới tinh hoa Triều Tiên.
Bruce Klingner, cựu nhân viên CIA, nhận xét Bình Nhưỡng sẽ hoan nghênh bất cứ ứng viên tổng thống Mỹ nào "làm suy yếu mối quan hệ" giữa Mỹ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc. "Triều Tiên có mục tiêu lâu dài là loại bỏ hoặc giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các nước láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản", Klingner nói.
Phép thử
Nếu bài xã luận thực sự phản ánh chính sách của chính phủ, nó sẽ đánh dấu sự thay đổi lập trường của Triều Tiên. Hai quan chức cấp cao của nước này tháng trước từng bác bỏ đề nghị đàm phán ngoại giao của ông Trump.
Đại sứ Triều Tiên tại Anh Hyon Hak Bong cho rằng đề nghị chỉ là một mánh để thu hút bầu cử, và gọi nó là "vở kịch của một diễn viên nổi tiếng". "Triều Tiên không có chuẩn bị sẵn sàng, Mỹ cũng không có chuẩn bị sẵn sàng để thúc đẩy quan hệ hai nước", ông nói. Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cũng gọi ý tưởng của ông Trump là "ngớ ngẩn" và chỉ là "chiêu trò trong mùa bầu cử".
Một học giả nghiên cứu về Triều Tiên cho rằng bài xã luận không phải là bằng chứng về sự ủng hộ chính thức của Bình Nhưỡng cho ông Trump, mà chủ yếu là một phép thử.
"Phải thừa nhận rằng đây không phải là tuyên bố chính thức từ Bình Nhưỡng, mà giống như là Bình Nhưỡng đang thử phản ứng", giáo sư Đại học Leeds Aidan Foster-Carter nhận định, theo NK News.
"Đối với chúng ta, đây là một lời nhắc nhở kịp thời rằng ông Trump sẽ lên kế hoạch phá vỡ các chính sách mà Mỹ đã thiết lập trong khu vực".
John Feffer, giám đốc trung tâm nghiên cứu Foreign Policy In Focus, cũng cho rằng bài xã luận chỉ ra mong muốn của Bình Nhưỡng là phá vỡ chính sách của Washington.
"Ông Trump giống như Dennis Rodman của nền chính trị Mỹ - lập dị, khoa trương và chấp nhận rủi ro", Feffer nói, nhắc đến cầu thủ bóng rổ nghỉ hưu đã đến Triều Tiên và quen biết ông Kim Jong-un.
"Bình Nhưỡng đang hy vọng rằng hoặc ông ấy sẽ đắc cử tổng thống và thực hiện các cam kết của mình, hoặc những tuyên bố của tỷ phú sẽ thay đổi cuộc chơi chính trị ở Mỹ và ảnh hưởng đến cách đảng Dân chủ và những người Cộng hòa chính thống xem xét vấn đề Triều Tiên".
Xem thêm: Kiều nữ 27 tuổi phụ trách truyền thông cho Donald Trump
Món quà quý Tổng thống Obama để lại cho bà Clinton
Phương Vũ