Lý Tử Thất, người có hơn 7,5 triệu người theo dõi trên YouTube và khoảng 20 triệu người hâm mộ trên Weibo, đang gây ra làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc về vai trò của cô trong "xuất khẩu văn hóa" nước này.
Lý bắt đầu làm video về ẩm thực và đồ thủ công truyền thống cách đây ba năm, sau khi bỏ cuộc sống thành thị để trở về ngôi làng nơi cô được ông bà nuôi dưỡng ở huyện Bình Vũ, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Cô gái 29 tuổi này hiện sống cùng bà ở nông thôn, đã sản xuất khoảng 100 video trên YouTube, nhận được hàng chục triệu lượt xem của khán giả trên khắp thế giới. Những người theo dõi cho biết Lý đã quảng bá văn hóa Trung Quốc tốt hơn cả Viện Khổng Tử, tổ chức được chính phủ hỗ trợ với sự hiện diện ở hơn 100 quốc gia.
Tuy nhiên, tranh cãi về Lý bùng lên trên mạng xã hội Weibo từ ngày 4/12, khi tài khoản Lei Silin với hơn một triệu lượt theo dõi đăng bài viết với tựa đề "Tại sao Lý Tử Thất không xuất khẩu văn hóa?".
Lei Silin cho rằng lượng người xem của Lý Tử Thất ngang ngửa với các trang tin tức toàn cầu như CNN và cô đã tiếp cận được nhiều người hâm mộ ở nước ngoài, nhưng cô chỉ phơi bày khía cạnh kém phát triển của Trung Quốc ra bên ngoài. "Người Trung Quốc chúng ta không sống theo cách đó", một tài khoản bình luận dưới bài viết của Lei Silin.
"Cô ấy đưa tới người nước ngoài những ấn tượng lỗi thời của Trung Quốc. Đây là một sản phẩm văn hóa tiêu cực", một người dùng mạng xã hội nêu quan điểm gay gắt.
Đến trưa ngày 10/12, chủ đề trên đã thu hút 770 triệu lượt xem cùng 63.000 bình luận, chủ yếu đều ngợi ca thôn nữ họ Lý.
"Cô ấy thể hiện một cuộc sống nông thôn mộc mạc, hạnh phúc và truyền năng lượng tích cực. Xem video của cô ấy giúp tôi giảm áp lực và cảm thấy thoải mái thư giãn. Những cảnh quay trong video của cô ấy thật sự rất đẹp", một tài khoản bình luận.
Một ý kiến khác cũng cho rằng truyền thông nhà nước không thể hiện được thông điệp hấp dẫn về văn hóa Trung Quốc, trong khi các video của Lý đã làm được điều đó. "Dù bạn có hoài nghi về cô ấy hay không, những gì cô ấy thể hiện vẫn là văn hóa truyền thống", người này cho hay.
Trước các tranh cãi trên mạng, tài khoản của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 10/12 đưa ra ý kiến bênh vực Lý Tử Thất. "Người nước ngoài hiểu được tình yêu và niềm đam mê của Lý. Đó là lý do những video của cô ấy trở nên phổ biến toàn thế giới dù không có bản dịch. Chẳng cần một từ khen ngợi Trung Quốc, Lý vẫn quảng bá văn hóa đất nước một cách tốt đẹp và kể một câu chuyện hay về Trung Quốc", tài khoản của CCTV viết.
Trước đó vài ngày, People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng viết trên Weibo rằng chìa khóa thành công của Lý Tử Thất là cô đã thể hiện "vẻ đẹp của lối sống Trung Quốc, điều làm hài lòng khán giả và kéo mọi người đến gần nhau".
"Không nên xem nhẹ tầm quan trọng của những video này. Bất kể là kiểu văn hóa gì, nếu bạn muốn người khác hiểu bạn, trước hết bạn phải chạm tới trái tim họ", People’s Daily nói thêm.
Cuộc thảo luận về vai trò của Lý trong xuất khẩu văn hóa cũng đặt ra những câu hỏi về hiệu quả quảng bá sức mạnh mềm Trung Quốc.
"Trung Quốc nên tránh quảng bá văn hóa một cách có chủ đích và mang tính chính thức. Thay vào đó, chúng ta nên sử dụng những biện pháp mềm mại hơn, như thông qua các cá nhân và trò chơi trực tuyến", Chen Duan, một chuyên gia truyền thông tại Đại học Tài chính và Kinh tế Bắc Kinh cho biết.
Li Bochun, giám đốc Viện nghiên cứu Văn hóa Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết Lý Tử Thất quảng bá văn hóa Trung Quốc rất tốt, nhưng văn hóa truyền thống không nên là toàn bộ trọng tâm của sức mạnh mềm đất nước.
"Nói chung, lối sống truyền thống mà Lý Tử Thất thể hiện trong các video của cô ấy hơi khác với cuộc sống hiện đại. Nó không được làm theo rộng rãi. Việc xuất khẩu văn hóa cần giải thích văn hóa truyền thống có giá trị như thế nào đến hiện tại và nó đã giải quyết vấn đề hiện nay ra sao", ông Li chia sẻ.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)