"Nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn bạo lực, chấm dứt sự hỗn loạn và thiết lập lại trật tự để bảo vệ đất nước của chúng ta và ngăn không cho Hong Kong chìm xuống vực thẳm", Trương Hiểu Minh, người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau, phát biểu tại hội nghị ở Thâm Quyến ngày 7/8.
Ông Trương cho rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong trong hai tháng gần đây mang biểu hiện rõ rệt của một cuộc "cách mạng màu", thuật ngữ được dùng để chỉ phong trào nổi dậy ở Đông Âu vào những năm 2000, đồng thời khẳng định cuộc khủng hoảng không thể được giải quyết bằng cách nhượng bộ trước yêu sách của người biểu tình.
Tuyên bố được Trương Hiểu Minh đưa ra khi gặp 500 đại biểu quốc hội, chính hiệp cùng đại diện các doanh nghiệp, nghị sĩ thân Bắc Kinh ở Hong Kong. Ông Trương kêu gọi trưởng đặc khu Carrie Lam và các quan chức khác tham gia bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong.
"Chính phủ trung ương ủng hộ bà Lam 100%", ông Trương khẳng định, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh luôn hỗ trợ đầy đủ cho quan chức và lực lượng cảnh sát Hong Kong.
Ông cảnh báo nếu cuộc khủng hoảng biểu tình leo thang vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền đặc khu, Bắc Kinh sẽ không khoanh tay đứng nhìn. "Theo Luật Cơ bản, chính quyền trung ương có nhiều biện pháp cũng như đủ sức mạnh để giải quyết kịp thời mọi bất ổn có thể xảy ra", ông Trương nói.
Cựu lãnh đạo cơ quan tư pháp Hong Kong Elsie Leung Oi-sie, người cũng tham dự hội nghị ở Thâm Quyến, cho biết ông Trương đang thể hiện rõ quan điểm rằng chính quyền trung ương có quyền can thiệp vào khủng hoảng ở đặc khu nếu cần thiết. "Bắc Kinh sẽ không làm ngơ nếu Hong Kong hỗn loạn", bà nói.
Ip Kwok-him, đại biểu quốc hội Trung Quốc đến từ Hong Kong, dẫn lời ông Trương cảnh báo rằng đặc khu sẽ phải chịu rất nhiều tổn thất nếu các cuộc biểu tình tiếp tục kéo dài và phong trào này không được phép ảnh hưởng tới lễ kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Trung Quốc 1/10.
"Tôi cho rằng ông Vương đã bày tỏ hy vọng cuộc khủng hoảng chấm dứt trong tháng 9, nhưng tất nhiên, việc này kết thúc càng sớm càng tốt", ông Ip nói.
Một đại biểu khác tham dự hội nghị cho biết ông Trương cũng lưu ý cách thức các cuộc cách mạng màu trước đây đánh vào sĩ khí của lực lượng cảnh sát, khiến người biểu tình giành được lợi thế. "Cảnh sát đã đổ mồ hôi và máu, chúng ta không thể để họ rơi nước mắt", đại biểu này dẫn lời ông Trương.
Trong hội nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh tại Hong Kong Vương Chí Dân cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng Hong Kong như một "trận chiến sinh tử", có thể đe dọa tương lai đặc khu.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Hong Kong từ tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi gây tranh cãi. Dù bà Lam tuyên bố dự luật "đã chết", người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường và đưa ra 5 yêu sách với chính quyền Hong Kong: Rút hoàn toàn dự luật dẫn độ; Mở cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát với người biểu tình; Miễn tội cho những người bị bắt; Rút lại việc coi các cuộc biểu tình là hành vi bạo loạn; Khởi động quá trình cải cách chính trị đang bị đình trệ của đặc khu.
Các đại biểu tham dự cuộc họp cho biết ông Trương đã bác bỏ tất cả các yêu sách trên, nhưng để ngỏ khả năng thiết lập một ủy ban điều tra sau khi biểu tình chấm dứt và trật tự được khôi phục tại Hong Kong.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)