Chỉ trong vòng một tuần, Trung Quốc đã thay đổi cách thống kê số ca nhiễm nCoV hai lần. Ngày 13/2, Hồ Bắc thông báo đưa cả những ca được chẩn đoán lâm sàng nhiễm virus (chẩn đoán dựa trên các triệu chứng phù hợp với Covid-19 và chụp CT) vào số liệu ca nhiễm mới. Thay đổi này khiến số ca nhiễm mới được báo cáo tại tỉnh ngày 13/2 tăng gần gấp 10 lần so với một ngày trước đó.
Nhưng ngày 19/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ra chỉ đạo, yêu cầu chỉ công nhận các ca nhiễm nCoV nếu xét nghiệm axit nucleic cho kết quả dương tính, đảo ngược quyết định của Hồ Bắc một tuần trước đó. Những người được chẩn đoán lâm sàng chỉ được coi là "nghi nhiễm". Thay đổi mới nhất khiến số trường hợp mới ngày 20/2 ở Hồ Bắc là 349 ca, giảm mạnh so với mức tăng 1.693 ca ngày trước đó. Ngày 21/2, số ca nhiễm tại tỉnh tăng 411 lên 62.442 ca.
Trung Quốc giải thích thay đổi này là do họ đã cải thiện năng lực xét nghiệm nCoV. Vương Quý Cường, giám đốc Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm thuộc Hiệp hội Y khoa Trung Quốc, cho biết: "Để xử lý sự mâu thuẫn giữa chẩn đoán và điều trị, Hồ Bắc ban đầu đưa ra tiêu chí chẩn đoán lâm sàng để điều trị kịp thời cho bệnh nhân nhiều khả năng nhiễm nCoV và giảm tỷ lệ tử vong".
"Nhưng giờ tình hình ở Hồ Bắc đã thay đổi. Khả năng xét nghiệm axit nucleic đã được cải thiện rất nhiều. Giờ tất cả trường hợp nghi nhiễm hoặc trường hợp chưa được xác nhận có thể được xét nghiệm axit nucleic nhanh chóng. Xét nghiệm axit nucleic không còn là vấn đề nữa".
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra xét nghiệm axit nucleic có thể cho kết quả âm tính giả, để sót bệnh nhân. Có thông tin rằng nhiều nơi ở Trung Quốc thiếu dụng cụ xét nghiệm và kết quả không chính xác đang dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
Tổ chức Y tế Thế giới trước đây đã lên tiếng ủng hộ cách Trung Quốc tính trường hợp nhiễm nCoV. Ngày 20/2, họ bày tỏ phấn khởi về sự sụt giảm trong số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, một số chuyên gia, bao gồm cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, bày tỏ hoài nghi vì Trung Quốc vốn từng che giấu thông tin về dịch này và các dịch trước đây.
David Fisman, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Toronto, cho biết cách giới chức xác định ca nhiễm virus thường thay đổi khi họ hiểu thêm về bệnh. "Người ta có thể thay đổi định nghĩa ca nhiễm để tạo ra ảo tưởng rằng tình hình khống chế dịch đang tốt hơn. Trong trường hợp này, Trung Quốc đã làm điều ngược lại", ông nói. "Họ mở rộng cách xác định khi họ cần để không bỏ sót các trường hợp. Và giờ khi mọi thứ đang được kiểm soát, họ thu hẹp tiêu chí để làm cho nó nhất quán hơn nhằm theo dõi những gì đang thực sự xảy ra".
Jonathan Read, nhà dịch tễ học tại Đại học Lancaster ở Anh, cũng cho rằng định nghĩa "ca nhiễm" đôi khi cần phải được chỉnh sửa. Nhưng số liệu được thống kê với phương pháp không nhất quán khiến các học giả khó hình dung được bức tranh toàn cảnh về xu hướng dịch bệnh.
"Việc thay đổi quá thường xuyên không giúp ích gì cho mục đích theo dõi tình hình", Read nói.
Eric Feigl-Dinh, nhà khoa học tại trường Y tế Công cộng T.H. Chan của Đại học Harvard, nói rằng thay đổi hai lần trong vòng một tuần là "rất bất thường". "Rất khó xác định xu hướng thực sự. Họ làm mọi thứ trở nên phức tạp", ông nói. "Số ca nhiễm có thực sự giảm hay không, hay là chỉ do họ đã loại trừ số liệu đi?".
Chuyên gia cũng đặt câu hỏi về độ tin cậy khi chỉ dựa vào xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. "Có bằng chứng rằng có người ban đầu cho kết quả âm tính với nCoV và mãi sau này mới dương tính", Feigl-Ding nói.
Việc Trung Quốc không công nhận bệnh nhân dương tính với nCoV nhưng không có triệu chứng cũng khiến nhiều chuyên gia thắc mắc. Cách làm này khác với các quốc gia trên thế giới, Feigl-Ding nói.
Chẳng hạn, 11 người Mỹ bay từ Nhật về Mỹ vào tuần trước dương tính với nCoV nhưng không có triệu chứng. Những người này được tính là ca đã xác nhận ở Mỹ, nhưng nếu họ ở Trung Quốc thì không như vậy.
"Thật mệt mỏi", Feigl-Ding nói. Việc cố gắng thống kê số ca nhiễm toàn cầu với sự khác biệt như vậy giống như "trộn táo lẫn cam rồi ngồi đếm vậy". Ông kêu gọi Trung Quốc thống kê số bệnh nhân không có triệu chứng nhưng dương tính với nCoV "để so sánh quốc tế".
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ nói rằng những bệnh nhân không có triệu chứng vẫn có thể lây lan virus.
Ngoài nguồn chính thức, các nhà khoa học trên thế giới đang tìm đến các nguồn khác và đưa ra nghiên cứu dựa trên dữ liệu đó. Caitlin Rivers, học giả tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết những nguồn này rất hữu ích cho các chuyên gia, nhưng cảnh báo rằng chúng có thể gây khó hiểu cho người không có chuyên môn vì họ không biết cách diễn giải.
Biết được mức độ nghiêm trọng của bệnh là rất quan trọng để khoanh vùng nhóm người có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao. John Allen Paulos, giáo sư toán học tại Đại học Temple, cho biết hiện giờ còn "lớp sương mù" xung quanh số liệu về Covid-19.
Những con số này "mơ hồ và không rõ ràng", ông nói. "Chúng ta chưa hiểu rõ tình hình và trong thời gian này, cần thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể".
Phương Vũ (Theo CNN/Washington Post)