"Từ khía cạnh pháp lý, vụ kiện là một tiến trình tố tụng giữa Trung Quốc và Philippines, bất kể những quan điểm khác nhau của hai nước", South China Morning Post dẫn lời Tô Hoành, Vụ trưởng Vụ Điều ước Pháp luật, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay nói. "Nhưng điều chúng ta đang thấy là một màn kịch rõ ràng được dàn dựng, không chỉ có diễn viên chính và phụ, mà còn có những người giả làm khán giả ra ám hiệu và thông đồng với nhau".
Trung Quốc được cho là đang tăng cường phát ngôn đối đầu vào phút chót trước khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông. Tòa được dự kiến ra phán quyết chống lại Trung Quốc trong vài tuần tới.
"Các vị thực sự tin rằng đây đơn thuần là vấn đề luật quốc tế hay mọi sự xảy ra chỉ là tình cờ sao?", ông nói, đề cập đến sự ủng hộ của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phương Tây với Philippines. "Dù họ có to tiếng đến đâu đi nữa, những quan điểm của số ít các nước phương Tây không thể đại diện cho toàn bộ cộng đồng quốc tế".
Trung Quốc cũng đang tìm đến các đồng minh ở châu Á và xa hơn nữa để phản đối phán quyết. Trong nỗ lực ngoại giao mới nhất, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang thăm Trung Đông, rõ ràng nhằm vận động hành lang để giành thêm sự ủng hộ với nước này.
Philippines đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague (La Haye), Hà Lan từ tháng 1/2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Philippines cũng khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải.
Trung Quốc nhiều năm nay giữ quan điểm rằng tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cần được giải quyết song phương và kiên quyết không tham gia vụ kiện của Philippines.
Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông với các nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Những năm gần đây, Trung Quốc bị cáo buộc ngày càng quyết đoán trong cách hành xử ở Biển Đông. Nước này đã bồi lấp trái phép đảo nhân tạo, xây đường băng, trạm radar, hải đăng phi pháp ở Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Xem thêm: Trung Quốc cảnh báo "hậu quả tiêu cực" nếu Philippines thắng kiện
Trọng Giáp