"Những người biểu tình cực đoan đã hoàn toàn phá vỡ giới hạn của luật pháp, đạo đức và nhân tính", Xu Luying, người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau (HKMAO) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm nay. "Hành vi của họ cực kỳ coi thường luật pháp và làm ô uế nghiêm trọng hình ảnh của Hong Kong ở quốc tế".
Trong cuộc hỗn loạn ở sân bay quốc tế Hong Kong tối 13/8, người biểu tình đã bắt và tấn công hai người Trung Quốc đại lục vì nghi ngờ họ là đặc vụ ngầm của Bắc Kinh. Một người sau đó được xác nhận là phóng viên của Global Times.
HKMAO bày tỏ sự "phẫn nộ tột cùng" và "lên án mạnh mẽ" việc người biểu tình tấn công hai người này, gọi đây như "hành động khủng bố". Cơ quan này cũng khẳng định tội phạm bạo lực phải bị trừng phạt nghiêm khắc theo luật pháp.
Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh tại Hong Kong cũng ra tuyên bố nói rằng những người biểu tình hành động "không khác nào bạo lực do khủng bố gây ra". Theo họ, người biểu tình đã dỡ bỏ "mặt nạ" biểu tình ôn hòa và gây ảnh hưởng đến danh tiếng Hong Kong trong mắt du khách.
Tuyên bố nói thêm rằng người đàn ông đầu tiên bị tấn công thực chất chỉ là một người dân Thâm Quyến đến sân bay tiễn bạn, đồng thời cáo buộc người biểu tình vi phạm nhân quyền khi tấn công phóng viên Global Times, người đã hét lên rằng "tôi ủng hộ cảnh sát Hong Kong" trong lúc bị đánh.
Những tuyên bố cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh được đưa ra sau hai ngày hỗn loạn tại sân bay quốc tế Hong Kong, khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ và sân bay tê liệt. Hàng chục người biểu tình hôm nay vẫn ở lại sân bay trong lúc nhân viên dọn dẹp và các hoạt động sân bay được nối lại.
Tòa án Hong Kong đêm 13/8 đã ra lệnh cấm bất kỳ ai "tham dự hoặc tham gia vào bất kỳ cuộc biểu tình, phản đối hoặc sự kiện công cộng nào tại sân bay ngoại trừ khu vực được Cảng vụ Hàng không cho phép" hoặc "cản trở, can thiệp một cách bất hợp pháp và ngoan cố" vào các hoạt động của sân bay.
Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới các khu vực mà thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục, bùng nổ từ đầu tháng 6 và đã kéo dài sang tuần thứ mười. Biểu tình khiến trung tâm tài chính châu Á rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc. Cảnh sát cho biết hơn 600 người đã bị bắt trong các cuộc đụng độ hơn hai tháng qua.
Huyền Lê (Theo SCMP, Reuters)