Alken Tuniaz, phó chủ tịch khu tự trị Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, hôm qua cho biết "hầu hết cá nhân được đào tạo" trong các trung tâm dạy nghề tại đây đã "trở về với gia đình và xã hội".
"Hiện nay, hầu hết họ đã hoàn thành chương trình học và có được việc làm", Tuniaz phát biểu trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, nhưng không đưa ra bất cứ số liệu nào. Ông nói thêm rằng tình hình tại các trung tâm đào tạo nghề "vẫn trôi chảy".
Trong khi đó, chủ tịch khu tự trị Tân Cương Shohrat Zakir cho biết khoảng 90% học viên trở về từ các trung tâm đã tìm được việc làm phù hợp, nói thêm rằng nhiều cơ sở đào tạo đang tiến hành những khóa học ngắn hạn khác về kỹ thuật canh tác hay nâng cao kỹ năng cho mọi người trước khi họ đảm nhận công việc mới.
Tuy nhiên, Adrian Zenz, chuyên gia độc lập về chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, cho biết những tuyên bố của các quan chức rất khó kiểm chứng. "Các bằng chứng cho thấy việc thả người Duy Ngô Nhĩ khỏi các trung tâm đào tạo nghề không giúp chấm dứt tình trạng kiểm soát họ", Zenz nhận định.
Ông còn cáo buộc chính quyền Tân Cương đưa những người đã hoàn thành chương trình đào tạo vào những vị trí làm việc bắt buộc, dường như là một kế hoạch mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn cuộc sống của những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thiểu số trong khu vực.
Các nhà hoạt động, một số chính phủ nước ngoài và chuyên gia nhân quyền cáo buộc Trung Quốc giam hàng loạt và giám sát chặt chẽ hầu hết người Duy Ngô Nhĩ cũng như các cộng đồng Hồi giáo khác vào những "trại cải huấn chính trị ở Tân Cương", thậm chí ngược đãi họ. Một báo cáo của quốc hội Mỹ ước tính ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam tại đây.
Tuy nhiên, Zakir từng tuyên bố con số một triệu người "hoàn toàn là tin đồn nhảm" và nhấn mạnh các trung tâm chỉ là cơ sở giáo dục tạm thời. Bắc Kinh cũng nhiều lần khẳng định họ lập ra các trung tâm đào tạo nghề nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan trong khu vực, đồng thời giúp người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập với xã hội.
Bắc Kinh hồi tháng ba công bố sách trắng về chống chủ nghĩa cực đoan và tình hình nhân quyền ở Tân Cương, khẳng định khu vực này là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và sẽ mạnh tay trấn áp chủ nghĩa khủng bố theo đúng luật pháp.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)