Quân đội Ấn Độ đã vượt qua biên giới hai lần vào ngày 15/6, kích động và tấn công binh lính Trung Quốc, dẫn đến cuộc đối đầu nghiêm trọng giữa các lực lượng biên giới của hai bên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay nói với các phóng viên tại Bắc Kinh, thêm rằng "Bắc Kinh đã gửi đi phản đối mạnh mẽ và quyết liệt tới Delhi".
"Chúng tôi một lần nữa yêu cầu Ấn Độ có thái độ phù hợp và kiềm chế các binh sĩ tiền tuyến của mình. Không vượt biên giới, không gây rắc rối, không thực hiện bất kỳ hành động đơn phương nào làm phức tạp tình hình biên giới", ông Triệu tuyên bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập thương vong của binh sĩ nước này, song Ấn Độ trước đó cho hay ba binh sĩ tử vong do đụng độ và có thương vong ở cả hai phía.
Ấn Độ trước đó cũng cáo buộc một lượng đáng kể lính biên phòng Trung Quốc đã vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế và xâm nhập khu vực do nước này kiểm soát.
Căng thẳng trong quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc có nguồn gốc từ các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới, điển hình là khu vực Aksai Chin và Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ. Năm 2017, hai nước trải qua hơn hai tháng căng thẳng tại khu vực Doklam, giữa Bhutan và Trung Quốc, khi Bắc Kinh điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng này để xây dựng công trình giao thông. Phản đối bất thành, Bhutan đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.
Tháng trước, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu nhau trong nhiều tuần tại hồ Pangong Tso, thung lũng Galwan, làng Demchok và căn cứ Daulat Beg Oldi ở phía đông Ladakh, Ấn Độ. Một vụ ẩu đả xảy ra bên hồ Pangong Tso khiến nhiều người bị thương.
Đây là đụng độ mới nhất giữa hai nước sau hai năm, kể từ năm 2017, khi binh lính Trung Quốc và Ấn Độ ẩu đả gần khu vực Ladakh. Trung Quốc kiểm soát 2/3 hồ này và biên phòng nước này luôn phản đối sự hiện diện của binh sĩ Ấn Độ trong khu vực.
Tuần trước, Trung Quốc cho biết họ đã đạt "đồng thuận tích cực" với Ấn Độ để giải quyết căng thẳng tại biên giới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tìm cách hạ nhiệt căng thẳng tại các hội nghị thượng đỉnh song phương trong hai năm qua.
Mai Lâm (Theo AFP)