Đón Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm tại Bắc Kinh hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cho rằng hai nước cần tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, liên thông mậu dịch giao thương trên tinh thần cầu thị, linh hoạt. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 8/7 đến 12/7.
Ông Lật cho hay Trung Quốc mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đường sắt kết nối Việt - Trung - châu Âu nhằm tạo thuận lợi để hàng hóa Việt Nam sang châu Âu. Ông cũng đề nghị Việt Nam đẩy mạnh thực hiện Bản ghi nhớ về kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến Vành đai và Con đường.
Lãnh đạo cơ quan lập pháp Việt - Trung cam kết hai bên sẽ kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tăng cường trao đổi các biện pháp nhằm giữ ổn định trên biển, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đi đến ký kết Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm giữ hòa bình, ổn định ở khu vực.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề nghị hai nước cần tăng giám sát, thúc đẩy các bộ ngành tuân thủ các quy định về pháp lý về biên giới trên đất liền, tăng phối hợp để giải quyết ổn thỏa các vấn đề nảy sinh, xây dựng đường biên giới hòa bình và phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc triển khai các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nhất trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung năm ngoái đạt hơn 106 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Hai nước sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào 2020.
Theo truyền thông Kazakhstan, tuyến đường sắt Việt Nam - Trung Quốc – Kazakhstan - châu Âu được đưa vào hoạt động từ tháng 3, giúp vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội đến Duisburg, Đức trong 22 ngày và có thể giảm xuống 19 ngày trong tương lai.
Hành lang vận chuyển đường sắt Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan - châu Âu được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam và các nước ASEAN sang châu Âu. Đây cũng được coi là phương án vận chuyển hàng hóa thay thế cho vận tải đường biển truyền thống.
Việt Anh (Theo TTXVN)