Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công bố kế hoạch trên sau khi gặp người đồng cấp Malaysia Saifuddin Abdullah tại Bắc Kinh hôm 12/9.
"Căng thẳng ở Biển Đông gần đây đã giảm. Các quốc gia duyên hải và Trung Quốc cam kết xử lý thích đáng vấn đề Biển Đông và cùng nhau bảo vệ hòa bình cũng như ổn định khu vực", ông Vương nói. "Cuối cùng, hai bên chúng tôi đã đồng ý thiết lập một cơ chế tham vấn song phương về các vấn đề hàng hải. Một nền tảng mới cho đối thoại và hợp tác".
Ngoại trưởng Abdullah, người gọi ông Vương là "người anh em", cho biết cơ chế này sẽ được Bộ Ngoại giao hai nước quản lý và các chi tiết khác sẽ được tuân theo.
Cơ chế đối thoại này được xem là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm tìm cách giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở "một đối một".
"Có hai mục tiêu chính cho cơ chế đối thoại: một là giải quyết tranh chấp và giải quyết các vấn đề chủ quyền, hai là thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như đánh bắt cá và an ninh. Nếu Trung Quốc hợp tác tốt hơn với Malaysia, nó có thể góp phần vào việc giải quyết và đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề với các nước khác", Xu Liping, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.
Bên cạnh thỏa thuận với Malaysia, Trung Quốc từng có các thỏa thuận song phương tương tự với Philippines, Brunei và đang thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN. Bản dự thảo COC đầu tiên đã được trình bày vào tháng 8 năm ngoái và ba tháng sau các bên liên quan đã cam kết hoàn thiện bộ quy tắc trước năm 2021.
Tuy nhiên tiến độ kể từ đó diễn ra chậm chạp khi Bắc Kinh từ chối đưa ra một bộ luật ràng buộc về mặt pháp lý và các quốc gia khác lo ngại nó chỉ được dùng để tăng cường sự tin tưởng giả tạo trong khu vực mà không thể giải quyết tranh chấp.
Với chính sách bành trướng ở Biển Đông, Trung Quốc luôn có những động thái bị đánh giá mang tính khiêu khích và không tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Bất chấp phán quyết Biển Đông 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực về việc bác yêu sách "đường 9 đoạn", Bắc Kinh tới nay vẫn đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông.
Trung Quốc cũng từ chối thảo luận về tuyên bố chủ quyền trên biển với các quốc gia duyên hải láng giềng tại các diễn đàn quốc tế và đa phương, thay vào đó ưu tiên phương pháp "một đối một" để làm giảm bớt sự phản đối tập thể mạnh mẽ từ các nước trong khu vực.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)