"Tôi nghĩ chúng ta sẽ có cơ hội gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20. Tôi chắc chắn đây sẽ là một trong những vấn đề thảo luận của hai lãnh đạo", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ, đề cập đến các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Hong Kong gần đây.
Một số chuyên gia cho rằng quan chức Mỹ sẽ tận dụng sự kiện này để giành thêm lợi thế trong đàm phán thương mại. "Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đạt thỏa thuận với Trung Quốc, trong khi những quan chức an ninh mang tư tưởng diều hâu lại tìm mọi kẽ hở để khai thác điểm yếu của Trung Quốc, từ Đài Loan tới Tân Cương và giờ là Hong Kong", Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế ở đại học Bắc Kinh, nhận xét.
Đặc khu hành chính Hong Kong chưa chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trong đó có hàng loạt lệnh áp thuế lên hàng hóa và cấm xuất khẩu. Lợi thế này có thể biến mất nếu quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cho phép "đánh giá lại" liệu Hong Kong còn duy trì được sự tách biệt với Trung Quốc đại lục thông qua mô hình "một quốc gia, hai chế độ" hay không.
"Hong Kong là cầu nối quan trọng giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Nếu các quan chức diều hâu của Mỹ muốn kinh tế nước này tách xa Trung Quốc, họ sẽ nhằm vào Hong Kong. Bước đầu tiên là tách rời kinh tế Hong Kong khỏi Mỹ", Wang nói thêm.
Liu Weidong, nhà phân tích quan hệ Mỹ - Trung thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh sẽ nhấn mạnh vấn đề Hong Kong là chuyện nội bộ của Trung Quốc. "Chúng ta cần nhớ rằng Hong Kong chỉ là đề tài rất nhỏ trong quan hệ song phương, không nên để nó trở thành yếu tố phá hoại quan hệ giữa hai nước", Liu nói thêm.
Shen Dingli, nhà phân tích tại Thượng Hải, cho rằng đàm phán Mỹ - Trung nên dựa trên nền tảng "bình đẳng và tôn trọng", điều khó lòng xảy ra nếu biểu tình Hong Kong được đề cập trong các cuộc thảo luận.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Nhật Bản vào ngày 28 và 29/6.
Hong Kong trải qua ba cuộc biểu tình lớn vào ngày 9 và 12 và 16/6 khi hàng trăm nghìn người xuống đường vì lo ngại dự luật có thể gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục, khiến họ bị điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật khác. Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam sau đó tuyên bố hoãn thảo luận, nhưng sẽ không rút hoàn toàn dự luật này.
Vũ Anh (Theo SCMP)