"Bắc Kinh sẽ bắt đầu hoạt động bồi đắp cải tạo tại Hoàng Nham trong năm nay", SCMP dẫn lời nguồn tin quân sự Trung Quốc giấu tên, đề cập đến bãi cạn Scarborough, đối tượng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
"Trung Quốc cần chủ động làm vậy vì Washington đang cố gắng kìm hãm Bắc Kinh bằng cách thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài trong khu vực", nguồn tin Trung Quốc nói.
Mỹ và Philippines đã bắt đầu tuần tra chung ở Biển Đông từ hồi tháng ba. Lực lượng Mỹ sẽ được tiếp cận ít nhất 8 căn cứ quân sự ở Philippines, với hai căn cứ không quân ở Pampanga, cách bãi cạn Scarborough 330 km.
Tòa án Trọng tài ở The Hague sắp đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết dự kiến được công bố vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 và có khả năng có lợi cho phía Philippines. Trung Quốc đã tuyên bố chối bỏ thẩm quyền của Tòa án Trọng tài, khăng khăng chỉ giải quyết tranh chấp song phương và tìm kiếm các đồng minh cùng phản đối phán quyết.
"Một khi Trung Quốc bồi đắp cải tạo xong bãi cạn Scarborough, họ có thể bố trí radar và các thiết bị khác để giám sát 24/24 căn cứ không quân Basa tại Pampanga", chuyên gia quân sự tại Macau, Antony Wong Dong, nhận xét. Căn cứ này được Mỹ xây dựng từ trước Thế chiến II và hiện do Philippines quản lý.
Giáo sư Jin Yongmin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Đại dương tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận định nếu Trung Quốc có đường băng ở bãi cạn Scarborough, nó sẽ mở rộng tầm với cho không quân Trung Quốc ở Biển Đông ít nhất 1.000 km và vươn vùng giám sát đến Luzon, đảo lớn nhất của Philippines - cửa ngõ vào Thái Bình Dương.
Bãi cạn Scarborough, một khu vực giàu nguồn hải sản ngoài khơi tỉnh Zambales, là tâm điểm tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Bắc Kinh kiểm soát thực thể này từ năm 2012 và thường xuyên triển khai tàu hải cảnh tới khu vực. 4 máy bay "Thần Sấm" A-10 và hai trực thăng cứu nạn HH-60 của Mỹ tuần trước đã tuần tra trên bãi cạn này.
Phương Vũ