"Không có thứ gọi là 'các vấn đề nhân quyền' như Mỹ tuyên bố. Những cáo buộc này chỉ là cái cớ để họ can thiệp vào nội bộ Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay nói, đề cập tới việc Bộ Thương mại Mỹ hôm 7/10 liệt 28 thực thể của họ vào danh sách đen.
Các thực thể, gồm Sở Công an khu tự trị Tân Cương, 19 cơ quan trực thuộc chính quyền và 8 công ty, sẽ bị cấm mua sản phẩm Mỹ. Washington cáo buộc 28 thực thể này liên quan tới hành vi "vi phạm nhân quyền và ngược đãi" trong "chiến dịch đàn áp" người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Mỹ "sẽ không dung thứ cho sự đàn áp tàn bạo với các nhóm thiểu số ở Trung Quốc". Trong khi đó, Bắc Kinh bày tỏ "sự bất mãn mạnh mẽ và kịch liệt phản đối" lệnh trừng phạt mới, đồng thời bảo vệ chính sách của họ ở khu vực biên giới phía tây.
Quyết định liệt các cơ quan và công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của Mỹ đưa ra trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng vì nhiều vấn đề, đặc biệt là chiến tranh thương mại. Nhà Trắng hôm qua thông báo các cuộc đàm phán giữa hai nước sẽ bắt đầu lại vào ngày 10/10. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã giam hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác trong những "trại cải huấn chính trị" ở Tân Cương. Một số người nói rằng họ thậm chí bị tra tấn tại đây.
Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần khẳng định họ lập ra các trung tâm đào tạo nghề nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan trong khu vực, đồng thời giúp người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập với xã hội. Trong sách trắng công bố hồi tháng ba, chính phủ khẳng định Tân Cương là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và sẽ mạnh tay trấn áp chủ nghĩa khủng bố theo đúng luật pháp.
Ánh Ngọc (Theo AFP)