"Phục vụ nhu cầu nội địa là ưu tiên nhưng Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đất hiếm toàn cầu nếu chúng được sử dụng cho mục đích hợp pháp", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua viết trong một bài bình luận đăng vào sáng sớm 29/5. "Tuy nhiên, nếu bất kỳ ai muốn dùng đất hiếm nhập khẩu để chống lại Trung Quốc, người Trung Quốc sẽ không đồng ý".
Bài bình luận với tiêu đề "Mỹ có nguy cơ đánh mất nguồn cung đất hiếm trong thương chiến" khẳng định Trung Quốc "vẫn có rất nhiều quân bài để chơi" dù giữ quan điểm duy trì chủ nghĩa đa phương và cố gắng tránh một cuộc chiến tranh thương mại làm tổn hại lợi ích chung.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước tới thăm một công ty công nghệ ở Hàng Châu chuyên nghiên cứu và phát triển đất hiếm. Động thái trên được cho là nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Mỹ về sự thống trị của Bắc Kinh trên thị trường đất hiếm toàn cầu.
Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, tivi, máy ảnh, bóng đèn, xe điện và vũ khí. Trung Quốc sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm của thế giới và 80% lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu đều đến từ Trung Quốc.
Trung Quốc từng bị cáo buộc sử dụng đất hiếm để làm đòn bẩy chính trị. Một số công ty Nhật cho biết Trung Quốc năm 2010 cắt giảm xuất khẩu đất hiếm khi căng thẳng tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật trên biển Hoa Đông gia tăng. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này.
Năm 2014, Tổ chức Thương mại Thế giới kết luận Trung Quốc đã vi phạm quy tắc thương mại toàn cầu với việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu để giúp các công ty công nghệ của họ có lợi thế hơn đối thủ nước ngoài. Trong khi đó, Trung Quốc giải thích rằng thiệt hại môi trường do khai thác và việc cần đảm bảo nguồn cung bền vững là lý do họ hạn chế sản lượng.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng chần chừ dùng đất hiếm làm công cụ trả đũa Mỹ vì sợ "tự bắn vào chân mình". Kokichiro Mio tại Viện nghiên cứu NLI, cho rằng nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Mỹ sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có trữ lượng đất hiếm lớn. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ năm ngoái ước tính có 120 triệu tấn đất hiếm toàn cầu, bao gồm 44 triệu tấn ở Trung Quốc, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga.
Bài bình luận của Xinhua có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong chiến tranh thương mại, vốn đã lan sang mặt trận công nghệ. Cuộc xung đột thương mại giữa hai nước từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.
Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" để đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi dự thảo thỏa thuận đã được nhất trí. Trung Quốc sau đó trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tung ra một loạt đòn đánh nhắm vào Huawei, tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc. Trump cũng đe dọa sẽ tăng thuế với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.
Vũ Hoàng (Theo Xinhua, CNBC)