"Đó là một phụ nữ tuyệt vời và tôi mừng vì có bà ấy làm bạn", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. Tổng thống Mỹ tỏ rõ sự thân thiết với lãnh đạo Đức, dù ông từng nhiều lần chỉ trích Berlin "lơ là trách nhiệm" vì không đóng góp đủ cho ngân sách của NATO.
Sau nhiều lần chỉ trích các đồng minh và đối tác, Tổng thống Mỹ dường như đã chuyển sang giọng điệu mềm mỏng hơn khi gặp mặt trực tiếp các lãnh đạo tại G20, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản đối mặt với hàng loạt vấn đề gây chia rẽ như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu.
Ông chủ Nhà Trắng cũng ca ngợi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vì đã đưa "nhiều công ty ôtô" đến Mỹ, tỏ ý hài lòng với tài liệu mà Thủ tướng Abe đưa cho ông, cho thấy khoản đầu tư của Nhật vào Mỹ. Chỉ trước đó hai ngày, Trump tỏ ra hoài nghi về quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, cho rằng Tokyo chỉ hưởng lợi một chiều trong hiệp ước an ninh.
"Nếu nước Nhật bị tấn công, chúng ta sẽ tham gia Thế chiến III để bảo vệ họ và chiến đấu bằng mọi giá. Tuy nhiên, nếu chúng ta bị tập kích, Nhật Bản không bắt buộc phải hỗ trợ chúng ta. Họ có thể ngồi xem tivi Sony khi nước Mỹ bị tấn công", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trên truyền hình trước lúc tới Nhật.
Thủ tướng Abe trong phát biểu khai mạc hội nghị G20 sáng nay cũng kêu gọi các lãnh đạo thế giới đoàn kết, như tinh thần của triều đại "Lệnh Hòa" vừa bắt đầu ở Nhật. "Với sự góp sức của các ngài, tôi hy vọng chúng ta sẽ có được sự hòa hợp đẹp đẽ ở Osaka, thay vì chú ý tới sự đối đầu, hãy cùng tìm ra những điều có thể gắn kết", ông nói.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định hội nghị thượng đỉnh G20 nhiều khả năng sẽ diễn ra rất căng thẳng do các nước có lập trường khác nhau về hàng loạt vấn đề trên thế giới.
Sự kiện được chờ đợi nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29/6, đánh dấu lần đầu hai lãnh đạo gặp mặt trực tiếp kể từ hội nghị thượng đỉnh G20 hồi năm ngoái. Giới chuyên gia đánh giá hai bên khó đạt được thỏa thuận mang tính đột phá, dù cuộc gặp có thể cho ra đời một "lệnh ngừng bắn" ngăn Washington áp thêm thuế với hàng hóa của Bắc Kinh và đẩy cao căng thẳng song phương.
Hai bên nhiều khả năng sẽ không đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại, khi truyền thông Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận nhượng bộ trừ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhằm vào tập đoàn Huawei, điều Washington khó lòng đáp ứng.
Thương mại không phải chủ đề gây chia rẽ duy nhất tại hội nghị G20 năm nay, trong bối cảnh các quốc gia có bất đồng sâu sắc về vấn đề biến đổi khí hậu. Trong khi các lãnh đạo châu Âu muốn có những hành động mạnh mẽ để ứng phó với biến đổi khí hậu, Washington lại đang quyết tâm rút khỏi thỏa thuận Paris.
Căng thẳng Trung Đông cũng có thể phủ bóng lên hội nghị tại Nhật Bản. Tổng thống Trump khẳng định cuộc chiến nếu nổ ra với Iran "sẽ không kéo dài", nhưng các lãnh đạo G20 nhiều khả năng sẽ không đồng tình với tuyên bố này.
"Không có cuộc chiến nào ngắn ngủi. Chúng ta có thể biết khi nào xung đột nổ ra, nhưng hiếm khi thấy được thời điểm kết thúc", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu.
Vũ Anh (Theo AFP)