"Có rất nhiều đồn đại về con trai của Biden và Biden đã ngăn cản việc truy tố. Nhiều người muốn tìm hiểu điều đó", Trump nói hôm 25/7 trong cuộc điện đàm với Zelensky, theo bản tóm tắt Bộ Tư pháp Mỹ cung cấp. "Biden đã đi khắp nơi khoe khoang rằng ông ta đã ngừng việc truy tố, vì vậy, ông hãy xem xét vấn đề này nếu có thể. Tôi thấy vấn đề này có vẻ rất tệ".
Trump nói với Zelenskiy rằng Bộ trưởng Tư pháp William Barr sẽ liên lạc với ông về việc mở lại cuộc điều tra công ty năng lượng Ukraine mà con trai Biden từng làm việc. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Trump thực tế không yêu cầu Barr liên lạc với Ukraine. Ông Barr chỉ biết về cuộc điện đàm này vài tuần sau đó.
Hunter Biden, con trai cựu phó tổng thống Joe Biden, từng làm việc trong hội đồng quản trị công ty năng lượng Ukraine Burisma. Trump và các đồng minh nghi ngờ Joe Biden đã sử dụng quyền lực và quan hệ với Kiev vào năm 2016 để giúp Burisma né cuộc điều tra hình sự của tổng công tố viên Viktor Shokin.
Joe Biden và các lãnh đạo phương Tây khác từng gây áp lực thúc giục Ukraine loại bỏ Shokin vì ông được cho là không đủ cứng rắn đối với nạn tham nhũng. Shokin bị sa thải vào tháng 3/2016, sau chưa đầy 14 tháng giữ vị trí.
Cuộc điện đàm với Zelenskiy diễn ra sau khi Trump ra lệnh đóng băng gần 400 triệu USD viện trợ Mỹ cho Ukraine. Mặc dù Trump giải thích động thái này là nhằm thúc giục nước châu Âu hỗ trợ Kiev, nhiều người đánh giá ông có động cơ chính trị, muốn gây sức ép để Zelenskiy phải điều tra Biden.
Joe Biden là đối thủ đáng gờm với Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Luật Mỹ quy định các chiến dịch chính trị không được chấp nhận "điều có giá trị" từ chính phủ nước ngoài. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng việc Trump thúc giục chính quyền nước khác điều tra đối thủ trong cuộc bầu cử là hành vi vi phạm quy tắc này.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội Trump ngày 24/9, nói rằng ông "vi phạm nghiêm trọng hiến pháp". Đây là cuộc điều tra luận tội tổng thống đầu tiên tại quốc hội kể từ cuộc điều tra cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton hồi năm 1998, liên quan tới quan hệ giữa ông với cựu thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.
Tuy nhiên, hạ viện Mỹ chỉ có thể bắt đầu tiến trình luận tội sau khi cuộc điều tra của các ủy ban kết luận người đứng đầu Nhà Trắng có các hành vi sai trái. Sau khi được hạ viện thông qua, các cáo buộc chống lại tổng thống sẽ được trình lên thượng viện để xem xét. Tổng thống Mỹ chỉ bị phế truất nếu 2/3 số thượng nghị sĩ thông qua. Kịch bản này khó xảy ra với Trump, bởi thượng viện Mỹ hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Phương Vũ (Theo Reuters)