AFP cho hay một cuộc tranh luận nổ ra trên mạng xã hội Việt Nam tuần này, sau khi một người đàn ông quấy rối phụ nữ trong thang máy chung cư tại Hà Nội chỉ bị xử phạt 200.000 đồng (8,6 USD).
Camera an ninh cho thấy người đàn ông áp sát lại cô gái hỏi chuyện trước khi dồn cô vào một góc và cưỡng hôn. Đoạn video lan truyền nhanh chóng trên mạng và gây bức xúc cho dư luận.
"Mức phạt này là một sự nhạo báng và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ Việt Nam", hãng thông tấn Pháp dẫn lời một người Việt bình luận trên Faceook hôm qua.
"Thật nực cười, tôi không thể chấp nhận được. Tôi rất lo cho các con và bản thân mình", một phụ nữ khác nói.
Hãng tin cho hay không giống cưỡng hiếp, quấy rối tình dục không phải là tội hình sự ở Việt Nam mà bị xem là vi phạm hành chính vì có "hành vi và phát ngôn không đứng đắn". Mức phạt tối đa cho hành vi này là 300.000 đồng (13 USD). Một kiến nghị kêu gọi sửa đổi luật đang được mọi người chuyền tay nhau trên mạng.
Quấy rối tình dục vẫn là đề tài bị né tránh ở Việt Nam. Số liệu chính thức về tình trạng này không được công bố, dù 87% phụ nữ Việt cho hay họ từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng, theo một cuộc khảo sát vào năm 2014 trên 2.000 phụ nữ do tổ chức phi chính phủ ActionAid thực hiện.
Cuộc khảo sát toàn diện về bạo lực giới do Tổ chức Y tế Thế giới và chính phủ Việt Nam tiến hành vào năm 2010 cũng cho thấy có 34% phụ nữ thường xuyên bị chồng bạo hành.
Bà Khuất Thu Hồng, giám đốc Viện Phát triển Xã hội, cho biết nhiều nạn nhân không trình báo vì lo sợ, và bà rất hoan nghênh phản ứng mạnh mẽ của dư luận về vụ quấy rối phụ nữ trong thang máy vừa qua.
"Phản ứng này là một dấu hiệu tốt, xã hội đã cho thấy sự ủng hộ với những người dám lên tiếng", bà nói.
Đây không phải là lần đầu tiên chuyện phụ nữ bị quấy rối tình dục gây xôn xao dư luận Việt Nam. Năm 2017, người mẫu, diễn viên Vũ Thu Phương từng tố cáo nhà sản xuất Hollywood Harvey Weinstein sàm sỡ cô, nhưng câu chuyện sau đó bị chìm xuống.