Indunil Yapa, phát ngôn viên của Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, hôm nay cho biết email từ chức của Tổng thống Rajapaksa đang được chuyển tới tổng chưởng lý của đất nước để xem xét các tác động pháp lý trước khi được chính thức chấp nhận.
"Tính xác thực và tính hợp pháp của email cần phải được kiểm tra", Yapa cho hay.
Nếu email được chấp nhận, ông Rajapaksa sẽ là tổng thống đầu tiên từ chức kể từ khi Sri Lanka thông qua thể chế chính phủ tổng thống vào năm 1978.
Thông tin về email từ chức được đưa ra chỉ vài giờ sau khi máy bay chở Tổng thống Sri Lanka cùng vợ là bà Ioma và hai cận vệ hạ cánh xuống sân bay Changi của Singapore. Theo Business Standard, vợ chồng ông Rajapaksa sẽ ở lại Singapore và không đến Trung Đông như thông tin trước đó.
"Chúng tôi xác nhận ông Rajapaksa đã được phép nhập cảnh Singapore trong một chuyến thăm riêng", Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố cho hay. "Ông ấy không xin tị nạn và cũng không được cấp quy chế tị nạn. Nhìn chung Singapore không chấp nhận các yêu cầu tị nạn".
Tổng thống Rajapaksa sáng 13/7 tháo chạy khỏi Sri Lanka trên một máy bay quân sự để đến Maldives. Lãnh đạo 73 tuổi trước đó thông báo sẽ từ chức trong ngày 13/7 để mở đường "chuyển giao quyền lực trong hòa bình". Rajapaksa được cho là ra nước ngoài để tránh nguy cơ bị bắt giam khi rời ghế.
Sau khi tới Maldives, ông Rajapaksa đã chỉ định Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm quyền tổng thống. Ông Wickremesinghe sau đó tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Hàng nghìn người Sri Lanka kéo xuống đường biểu tình và tràn vào Văn phòng Thủ tướng, yêu cầu cả ông Rajapaksa và Wickremesinghe từ chức, khiến quyền tổng thống Wickremesinghe ra lệnh cho quân đội Sri Lanka "làm mọi điều cần thiết" để vãn hồi trật tự. Người biểu tình hôm nay thông báo sẽ rút khỏi các tòa nhà chính phủ.
Ông Wickremesinghe hôm 9/7 đã tuyên bố sẽ từ chức để mở đường thành lập một chính phủ đoàn kết, nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ thực hiện điều này. Nếu ông Wickremesinghe cũng từ chức, Chủ tịch Quốc hội sẽ trở thành tổng thống lâm thời trong thời gian chờ quốc hội bầu tổng thống mới.
Các cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã kéo dài suốt nhiều tháng và lên đỉnh điểm những ngày gần đây. Gia tộc Rajapaksa cùng đồng minh bị cáo buộc đã đưa ra những chính sách sai lầm, đẩy quốc đảo rơi vào khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948.
Đất nước thiếu ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc bị hạn chế. Lạm phát tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến lên 70% trong những tháng tới.
Huyền Lê (Theo AFP)