"Greta nói rằng người bản địa chết vì đang bảo vệ rừng Amazon", Tổng thống Jair Bolsonaro nói với các phóng viên bên ngoài Phủ Tổng thống ở Brazil hôm 10/12, đề cập đến nhà hoạt động môi trường nhí Greta Thunberg. "Thật ngạc nhiên khi báo chí dành nhiều đất cho loại 'pirralha' này".
"Pirralha" trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là "nhóc con" hoặc "côn trùng". Tổng thống Brazil ban đầu còn không nhớ tên của Greta Thunberg mà chỉ gọi là "cô gái đó".
Thunberg hôm 8/12 đăng video về một vụ xả súng nhắm vào các thủ lĩnh bản địa ở Amazon làm hai người thiệt mạng. "Cư dân bản địa bị sát hại theo nghĩa đen vì cố gắng bảo vệ rừng trước tình trạng phá hoại bất hợp pháp. Hết lần này đến lần khác. Thật đáng xấu hổ khi thế giới vẫn im lặng về điều này", nhà hoạt động môi trường 16 tuổi nói.
Sau bình luận của lãnh đạo Brazil, Thunberg lập tức thay đổi tiểu sử trên Twitter của mình thành "Pirralha".
Báo cáo của Nhóm Hội đồng Truyền giáo Bản địa Brazil hồi tháng 9 cho hay 153 vùng lãnh thổ của cư dân bản địa đã bị lâm tặc xâm phạm kể từ đầu năm 2019, gấp đôi so với con số 76 vụ xâm phạm vào năm ngoái. Brazil những tuần gần đây cũng chứng kiến một loạt vụ tấn công nhằm vào các nhà hoạt động bản địa, trong đó có vụ một tù trưởng bộ tộc ở bang Maranhao bị 5 tên lâm tặc phục kích và sát hại hôm 1/11.
Thunberg nổi tiếng toàn cầu từ năm ngoái, sau khi bỏ học để biểu tình vì môi trường bên ngoài quốc hội Thụy Điển vào thứ 6 hàng tuần. Phong trào của cô bé sau đó lan rộng khắp các nước, thu hút hàng triệu học sinh tham gia.
Bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc hôm 23/9 của nhà hoạt động môi trường nhí gây chú ý khắp thế giới khi cáo buộc người lớn và các lãnh đạo thế giới đã gây nguy hiểm cho tương lai thế hệ trẻ khi không chịu hành động chống lại biến đổi khí hậu.
Mai Lâm (Theo Guardian)