Theo giấy phép do cảnh sát cấp, cuộc biểu tình diễn ra hôm nay, bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Stockholm. "Tôi sẽ đốt kinh Koran nhiều lần, cho đến khi nó bị cấm ở Thụy Điển", nhà tổ chức biểu tình Salwan Najem cho hay.
Najem từng cùng người tị nạn Iraq Salwan Momika tổ chức biểu tình bên ngoài nhà thờ Hồi giáo chính và đại sứ quán Iraq ở Stockholm.
Mối quan hệ ngoại giao của Thụy Điển với một số quốc gia Trung Đông trở nên căng thẳng do các cuộc biểu tình liên quan hành động xúc phạm kinh Koran. Cảnh sát Thụy Điển nhấn mạnh họ chỉ cấp phép cho người tổ chức tụ họp công cộng, không phải các hoạt động diễn ra trong sự kiện đó.
Hồi cuối tháng 6, Momika, 37 tuổi, đốt các trang kinh Koran bên ngoài nhà thờ Hồi giáo chính của Stockholm. Một tháng sau, người này tổ chức cuộc biểu tình tương tự bên ngoài đại sứ quán Iraq, giẫm lên kinh Koran. Cả hai cuộc biểu tình đều châm ngòi làn sóng phẫn nộ và chỉ trích từ cộng đồng Hồi giáo.
Sau phản ứng dữ dội của các nước Trung Đông với hành động xúc phạm kinh Koran, Đan Mạch hôm 30/7 cho biết sẽ xem xét biện pháp pháp lý để ngăn biểu tình liên quan đốt kinh Koran, với lý do lo ngại về an ninh. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết quá trình tương tự cũng được tiến hành ở nước này.
Loạt nước Trung Đông gần đây triệu phái viên Thụy Điển và Đan Mạch để phản đối hành vi đốt kinh Koran. Arab Saudi và Iraq đã kêu gọi tổ chức cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để đối phó các hành vi xúc phạm kinh Koran ở Thụy Điển và Đan Mạch.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan hôm 20/7 điện đàm với người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom, nhấn mạnh rằng việc tiếp tục "hành động xấu xa" đốt kinh Koran dưới chiêu bài tự do ngôn luận là điều không thể chấp nhận. Thủ tướng Thụy Điển cùng ngày cho hay ông đã thảo luận với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và thống nhất rằng tình hình rất nguy hiểm.
Cả hai quốc gia đều nói họ lấy làm tiếc về hành vi đốt kinh Koran nhưng không thể ngăn chặn nó do các quy tắc bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Huyền Lê (Theo AFP)